Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông: Điều chỉnh một số nội dung luật để đồng bộ với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Đ.D| 01/11/2022 18:39

Sáng 1/11, tiếp tục chương trình làm việc, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Tham gia thảo luận về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị cần tiếp tục điều chỉnh một số nội dung luật, quy định để đồng bộ với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận tại hội trường

Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành và các khuyến nghị của FATF, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự thảo luật này theo chương trình kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, tờ trình và các tài liệu kèm theo của Chính phủ, qua nghiên cứu, hiện nay mới đáp ứng được 27/40 nội dung khuyến nghị của FATF. Nếu chỉnh sửa Luật Phòng, chống rửa tiền thì vẫn chưa đầy đủ như 19/27 khuyến nghị vì liên quan đến sự thiếu hụt về pháp lý và các chế tài xử phạt hành chính về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ vũ khí hàng loạt. 8/27 khuyến nghị liên quan đến sự thiếu hụt trong Bộ Luật hình sự hiện nay. Do đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang đồng ý tại Điều 63, dự thảo Luật này là sửa Điều 34 và Điều 35 của Luật Phòng, chống khủng bố; đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định để phù hợp với các khuyến nghị của FATF, trực tiếp là các khuyến nghị cốt lõi. Nếu chúng ta sửa thì nên sửa khái niệm Luật Phòng, chống rửa tiền để đáp ứng khuyến nghị của FATF. Chính phủ cần sớm nghiên cứu để trình Quốc hội sớm sửa đổi quy định tại Điều 320 của Luật Hình sự.

Tại Điều 63 dự thảo Luật, ở đây có kiến nghị sửa đổi khoản 1, của Điều 49, Luật Ngân hàng nhà nước. Theo đó, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trước đây có chức năng phòng, chống rửa tiền, thì hiện bỏ chức năng này. Nếu chúng ta bỏ cụm từ phòng, chống rửa tiền ở cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, sau này, cơ quan có thẩm quyền không đồng ý thành lập Cục phòng, chống rửa tiền thì chức năng này nó ở đâu. Thứ hai, trong báo cáo giám sát và Nghị quyết số 56 của Quốc hội Khóa XIV cũng như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội thì có nêu vấn đề: trong luật của Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trực thuộc các bộ dẫn đến không linh hoạt trong hoạt động và giao Chính phủ điều chỉnh chức năng này. Nghị quyết 56 của Quốc hội khi giám sát về chức năng của bộ máy Nhà nước cũng đề nghị là Quốc hội không quy định nội dung này nữa và Luật Tổ chức Chính phủ đã giao cho Chính phủ quy định.

Từ những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị nên bỏ luôn khoản 1, Điều 49 của Luật Ngân hàng nhà nước vì đây hoàn toàn thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ. Sau này, chúng ta tách ra Cục Phòng, chống rửa tiền thì hoàn toàn linh hoạt. Trong trường hợp cơ quan thẩm quyền không đồng ý tách ra Cục Phòng, chống rửa tiền thì cơ quan này vẫn hoàn toàn làm nhiệm vụ này. Còn nếu bây giờ chúng ta sửa theo hướng không đồng bộ như dự thảo Luật, rất khó để sau này Chính phủ điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Ngân hàng nhà nước.

Liên quan đến phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, Điều 16, dự thảo Luật quy định phân loại khách hàng theo các mức độ trung bình, cao và thấp. Quy định này mang tính định tính, không có tính định lượng. Do đó, để bảo đảm tính minh bạch, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị nên quy định một cách định lượng tối đa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông: Điều chỉnh một số nội dung luật để đồng bộ với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO