Đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông: Quan tâm nâng cao chất lượng ngành Nông nghiệp
Sáng 13/12, dưới sự điều hành của Chủ tọa Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời, giải đáp ý kiến của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 105 triệu đồng/ha
Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đắk R’lấp chất vấn, qua 5 năm triển khai Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh Đắk Nông về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhưng kết quả không được như kỳ vọng. Nông nghiệp chiếm khoảng 40% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Vì thế, lãnh đạo UBND tỉnh, sở ngành liên quan cần có giải pháp cụ thể, để ngành phát triển đúng với tiềm năng của tỉnh.
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đánh giá, đây là 2 nghị quyết thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh. Dù chưa đạt kết quả như kỳ vọng, nhưng việc triển khai nghị quyết đã đạt được kết quả nhất định. Qua đó, nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 105 triệu đồng/ha.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp đang được phát triển theo hướng chuỗi giá trị. Tỉnh Đắk Nông đã hình thành được 4 vùng sản xuất NNƯDCNC với diện tích khoảng 2.400ha, tiến tới sẽ công nhận thêm 3 vùng. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp, tỉnh cần có những chính sách, chủ trương mới để phát huy hết tiềm năng của địa phương.
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Cũng liên quan đến vấn đề nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Vinh của huyện Đắk R’lấp và đại biểu Ngô Thu Hương, huyện Đắk Mil cho biết, hiện tỉnh Đắk Nông có 90 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, một số tỉnh thành khác cũng có những sản phẩm OCOP tương tự tỉnh Đắk Nông. Các đại biểu đề nghị, lãnh đạo UBND tỉnh và Sở NN-PTNT thông tin thêm về giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên thông tin, bắt đầu từ năm 2022, việc công nhận các sản phẩm nông nghiệp OCOP khác so với giai đoạn trước. Trong đó, công nhận sản phẩm 5 sao thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT, 4 sao thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và 3 sao thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận 12 sản phẩm OCOP 4 sao.
Về giải pháp để định hình thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Nông trên thị trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết: “Chúng ta cần tính toán để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị cạnh tranh, bắt đầu ngay từ vùng nguyên liệu. Sau đó sẽ kết nối, xây dựng chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả của các sản phẩm OCOP”.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh, sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Vì thế, khi xây dựng đề án để trình công nhận, mỗi xã, huyện phải tính tới phương án cạnh tranh trên thị trường.
Về câu chuyện sản phẩm OCOP của địa phương này giống với địa phương khác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng đây là chuyện bình thường. Sự khác nhau là ở chỗ giá thành, chất lượng, hình thức của mỗi sản phẩm. Vì vậy, nhiệm vụ thời gian tới của các cấp, ngành, địa phương là phải nâng cao chất lượng, cả nguyên liệu đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra.
Tăng cường hỗ trợ nông dân
Đại biểu Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chất vấn, UBND tỉnh và sở ngành liên quan thông tin rõ hơn về quá trình khắc phục những tồn tại, bất cập tại Công trình thủy lợi Suối Đá, xã Quảng Hòa (Đắk Glong).
Đại biểu Hồ Gấm cũng đặt vấn đề, trước đây UBND tỉnh đã có chỉ đạo thành lập các trung tâm cung ứng giống cây trồng và vật nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai vẫn chưa đạt kết quả vì trên thị trường vẫn chỉ là các cơ sở cung ứng tư nhân.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Gấm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, công trình thủy lợi Suối Đá được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh khai thác, quản lý, vận hành. Trong quá trình khai thác, đơn vị sẽ có đánh giá và đề xuất, kiến nghị với ngành chức năng.
Liên quan đến kiến nghị thành lập Trung tâm cung ứng giống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, đến nay hoạt động Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố vẫn chưa phát huy được hết chức năng, nhiệm vụ trong việc hỗ trợ nông dân. Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực của các trung tâm để hỗ trợ người dân làm kinh tế hiệu quả.