Đại biểu Dương Khắc Mai thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Đức Diệu| 31/05/2022 12:21

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 31/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đại biểu tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính đồng bộ, khả thi.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần làm rõ thêm một số nội dung như: Về khoản 4 Điều 25a về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật cần làm rõ đây có phải nghĩa vụ bắt buộc mà điều ước quốc tế yêu cầu quốc gia thành viên phải ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức này khi áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật hay không? Mặc dù khoản 6, Điều 25a có giao Chính phủ quy định chi tiết điều này, nhưng để bảo đảm tính khả thi, dự án Luật phải nêu rõ thêm các biện pháp cần thiết này là gì, liệu có tăng thêm gánh nặng cho các tổ chức bảo trợ, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật trong việc phải có nguồn lực để thực thi các biện pháp này hay không?

Về quy định “trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt” đối với Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại khoản 3, Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 27 Điều 1 của dự án Luật: Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và phải được công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo tính xác thực, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện chính xác, tránh các rủi ro và tranh chấp phát sinh khác.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị cần bổ sung về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện việc cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan theo quy định tại Điều 55 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 29, Điều 1 của dự thảo Luật để đồng bộ, thống nhất với khoản 27, Điều 1 của dự thảo.

Ban soạn thảo cần bổ sung khái niệm “dụng ý xấu” được sử dụng tại các khoản 58 (Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 117), khoản 66 (Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 130) Điều 1 của dự thảo Luật vào điều khoản giải thích từ ngữ để rõ nghĩa hành vi, cho các đối tượng áp dụng pháp luật được thống nhất và thuận lợi trong thực tế áp dụng giám định tư pháp.

Tại Điều 89a quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, đại biểu Dương Khắc Mai tán thành với quy định của Điều 89a như dự thảo Luật và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ trong thực thi chính sách, cần làm rõ thêm một điểm như sau: hiện nay, Điều 23b của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp cũng có quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài. Việc bổ sung Điều 89a vào dự thảo Luật là có sự thay đổi về chính sách trong kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài. Do đó, nội dung này cần phải có quy định chuyển tiếp phù hợp, làm rõ những sáng chế nào, nộp đơn ở thời điểm nào thì áp dụng quy định của Luật cũ hay quy định của Luật mới để bảo đảm thuận tiện trong công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Dương Khắc Mai thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO