Đại biểu Dương Khắc Mai: Một nội dung chỉ nên quy định ở một luật
Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai đề nghị cần rà soát lại theo định hướng một nội dung chỉ quy định ở một luật.
Chiều 12/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận.

Đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất cao việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Quốc hội để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động và gắn với việc tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 5 về làm luật và sửa đổi luật quy định:“ Luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và xã hội. Đối với các nội dung quản lý nhà nước, các vấn đề, lĩnh vực có tính kiến tạo, phát triển, luật chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng, chiến lược, dài hạn để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định của luật và tạo điều kiện cho việc thực hiện phân cấp phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp và kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; không quy định các nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ, về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và các nội dung có tính biến động cao”
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cân nhắc không quy định nội dung này vào luật sửa đổi, bổ sung, bởi luật này chỉ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quốc hội. Những vấn đề cụ thể của luật, định hướng xây dựng luật, nội dung của luật như thế nào cần được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quá trình xây dựng các luật và xuyên suốt trong việc thực hiện Kết luận số 119-KL/TW, ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.
Về khoản 6, điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 48 về xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết quy định: Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định và điều chỉnh chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội; cho ý kiến về dự án luật, nghị quyết của Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét và chủ trì tổ chức việc trình Quốc hội xem xét, thông qua các luật, nghị quyết.
Ủy ban thường vụ Quốc hội ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; ban hành nghị quyết để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và luật, nghị quyết của Quốc hội.”
Nội dung này quy định trùng những nội dung tại Điều 11, Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Mục 1, Chương 3 Định hướng lập pháp nhiệm kỳ và chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội của dự thảo luật ban hành văn bản QPPL. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát lại theo định hướng một nội dung chỉ quy định ở một luật.