Kinh tế

Đặc sản Đắk Nông chuyển mình cùng thương mại số

Lê Dung 22/01/2024 05:30

Các cơ sở sản xuất ở Đắk Nông đang tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng nền tảng số để tiếp cận thị trường.

ADQuảng cáo
img_1872(1).jpg
HTX Thương mại - dịch vụ tổng hợp Hoàng Phương, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) chụp hình sản phẩm để đưa lên nền tảng số

Là đơn vị mới gia nhập thị trường nên thị phần cho sản phẩm cà phê chất lượng cao của HTX Thương mại - dịch vụ tổng hợp Hoàng Phương, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) chưa nhiều. Tuy nhiên, thông qua công nghệ số, việc tiếp cận khách hàng đã trở nên thuận tiện hơn.

Bà Trần Thị Phương, đại diện HTX cho hay, để khách hàng hiểu và tin tưởng lựa chọn sản phẩm, hàng ngày, tất cả các hình ảnh về quy trình sản xuất, đóng gói, sản phẩm hoàn thiện đều được đơn vị chụp và quay lại để đẩy lên fanpage.

Kênh bán hàng mới này được HTX thuê một đơn vị trực tiếp thiết kế và chạy quảng cáo. HTX cũng được các chuyên gia hướng dẫn về cách thức xây dựng, thông tin về sản phẩm sao cho bắt mắt và tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả nhất.

Bà Phương chia sẻ, điều quan trọng nhất khi bán hàng qua công nghệ số đó là sản phẩm phải thật sự chất lượng. Theo đó, sản phẩm cà phê của HTX được thu hái với trên 95% trái chín. Quy trình sản xuất, thu hái và chế biến bài bản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã giúp sản phẩm của HTX nhanh chóng chiếm trọn lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Năm nay, HTX đang dự trữ khoảng gần 20 tấn cà phê nguyên liệu phục vụ cho thị trường trong và sau tết. Ngoài kênh thương mại điện tử, sản phẩm của HTX đang tiếp cận các thị trường lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… Năm nay, đơn vị sẽ đầu tư thiết kế lại mẫu mã bao bì cho sản phẩm để thu hút và tăng lượng tương tác với khách hàng qua kênh thương mại điện tử.

img_1948(1).jpg
Cơ sở kinh doanh Hiền Hoàng, huyện Đắk R’lấp, tiếp cận người tiêu dùng thông qua livestream bán hàng mỗi ngày

Tương tự, sản phẩm hạt các loại của cơ sở kinh doanh Hiền Hoàng, huyện Đắk R’lấp, cũng đang tiếp cận hiệu quả với người tiêu dùng thông qua việc livestream bán hàng hàng ngày.

Để khách hàng tin dùng sản phẩm, từ công đoạn bóc tách, sấy, đóng gói đều được đơn vị livestream trực tiếp, giới thiệu chi tiết, cận cảnh từng khâu sản xuất. Qua đó giúp khách hàng hình dung được quy trình làm ra các loại hạt và lựa chọn sản phẩm về dùng.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, chủ cơ sở thông tin, để có được những buổi livetream bán hàng sôi nổi, đơn vị đã bố trí một nhân viên tham gia các lớp tập huấn và trực tiếp phụ trách nhiệm vụ này. Đặc biệt, cơ sở cũng thông tin cho khách hàng biết rõ, đây là những nông sản sạch do chính bà con trong vùng làm ra.

Tất cả nguyên liệu được đơn vị liên kết với các hộ dân trong vùng để bao tiêu sản phẩm. Bà con chủ yếu trồng xen, không phun xịt thuốc hóa học nên khi đơn vị thu mua về chế biến rất sạch, an toàn.

Ngoài ra, đơn vị còn kết hợp thêm một số loại hạt khác như hạnh nhân, óc chó, điều… Thị trường hiện tại của cơ sở là bán hàng qua các kênh như: Tiktok, facebook, zalo… Bình quân, mỗi năm bán ra thị trường 5-6 tấn sản phẩm ra thị trường.

Năm nay, đơn vị đã thiết kế lại bao bì với màu xanh dương bắt mắt, có quai cầm tiện và đẹp hơn. Thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư mua thêm máy sấy với công suất trên 1 tấn/mẻ để kịp cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

img_2064(1).jpg
Việc bán nông sản chất lượng cao qua công nghệ số giúp quảng bá thêm về sản phẩm và hình ảnh cho Đắk Nông

“Hiện tại, khách hàng cần loại nào, cơ sở đều đáp ứng nhu cầu về loại sản phẩm đấy, kể cả hạt khô và hạt tươi mới tách vỏ. Cơ sở cũng nhận gia công thêm các loại hạt cho bà con về dùng và hiểu hơn về nông sản mình làm ra”, bà Hiền cho hay.

Việc bán nông sản chất lượng cao qua công nghệ số không chỉ giúp khách hàng được sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe, mà còn giúp quảng bá thêm về sản phẩm hàng hóa cũng như hình ảnh của Đắk Nông đến với người tiêu dùng ở mọi miền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sản Đắk Nông chuyển mình cùng thương mại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO