Chương trình với sự kết hợp của các nghệ sĩ đến từ Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk và Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen Thành phố Hồ Chí Minh cùng những tiết mục múa, hát, nhạc cụ dân tộc đặc sắc, mang đậm truyền thống và hiện đại, mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc đầy màu sắc của vùng đất Tây Nguyên và Nam bộ.
Với những ca khúc vừa sôi động, hào hùng của vùng đất Tây Nguyên xen kẻ những bản nhạc dân ca mượt mà, trữ tình của vùng đất Nam bộ như: Hòa tấu dàn nhạc: Knăm Hgơr-Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột; tổ khúc Hồn quê; Mặt trời Bazan; ca múa Dạ cổ Hoài Lang; Ban Mê hoàng hôn về; Độc tấu đàn bầu Nhịp cầu quê hương; múa Chiêng Thiêng; Yêu như chàng Đam San; múa Cầu mưa; ca khúc Để suối hát thác reo; Cao nguyên xanh; múa Hương lúa miền nam; hòa tấu H Zen lên rẫy; liên khúc Đêm hội Ban Mê; liên khúc Chiếc áo bà Ba về miền Tây…
Âm nhạc của Tây Nguyên và Nam Bộ, hai vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam, là những viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc. Với mỗi vùng miền, âm nhạc không chỉ là một phương tiện giải trí mà còn là tiếng nói của tâm hồn, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần của người dân nơi đó.
Âm nhạc dân gian Tây Nguyên gắn liền với cuộc sống của các dân tộc thiểu số như Ê-đê, M’nông, Gia Rai, Ba Na... Những giai điệu ngân vang từ cồng chiêng, đàn T’rưng hay sáo vỗ như kể lại những câu chuyện đầy màu sắc về cuộc sống, thiên nhiên và tình yêu. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chứng tỏ sự đặc biệt và quý giá của loại hình nghệ thuật này.
Trong khi đó, âm nhạc Nam Bộ lại mang trong mình sự giao thoa giữa các nền văn hóa, tạo nên những bản nhạc dân ca mượt mà, trữ tình. Đờn ca tài tử, một Di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam, là biểu tượng của âm nhạc Nam Bộ với những âm điệu sâu lắng, đậm chất trữ tình và triết lý sống. Những giai điệu từ cây đàn kìm, đàn tranh hay đàn bầu không chỉ đơn thuần là âm nhạc, mà còn là tiếng lòng, là tâm tư của người dân miền sông nước.
Cả hai vùng đất, với những bản sắc âm nhạc độc đáo đã và đang góp phần làm phong phú thêm bức tranh âm nhạc dân gian của Việt Nam, đồng thời cũng là niềm tự hào và di sản quý báu cần được bảo tồn và phát huy.
Với sự kết hợp âm nhạc giữa hai vùng miền Tây Nguyên và Nam Bộ trong suốt chương trình nghệ thuật không chỉ thể hiện sự đặc sắc và độc đáo của hai nền văn hóa âm nhạc mà còn cảm nhận được sự hòa quyện đầy sáng tạo và mới mẻ. Sự kết hợp này không chỉ làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống Việt Nam mà còn mở ra những hướng đi mới, đầy triển vọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc.