Theo Bloomberg, giá cà phê kỳ hạn tăng do nắng nóng cực độ ở nước có sản lượng hàng đầu Brazil và tình trạng khô hạn ở nhà cung cấp lớn thứ hai Việt Nam làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Thời tiết nắng nóng ở Brazil đang ảnh hưởng đến cả khu vực trồng cà phê arabica và robusta. Đây là rủi ro cho nguồn cung cà phê trong vụ tới, vì nhiệt độ cao có thể khiến lá cây khô héo, cản trở sự phát triển của quả. Theo cơ quan khí tượng học Climatemppo Nadiara Pereira, nhiệt độ gần 40 độ C dự kiến sẽ xảy ra ở hầu hết khu vực sản xuất ở Brazil.
Thời tiết khắc nghiệt là mối quan tâm đặc biệt đối với robusta, loại cà phê được sử dụng trong cà phê hòa tan. Mối đe doạ đối với sản lượng cà phê của Brazil càng khiến thị trường lo lắng về nguồn cung cà phê robusta, vốn đang bị thắt chặt do nguồn cung từ nước xuất khẩu hàng đầu là Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng bởi El Niño.
Giá cà phê robusta kỳ hạn của hợp đồng được giao dịch nhiều nhất đã tăng 2,8% vào hôm 13/11, chạm đỉnh ba tuần.
Ông Marcelo Moreira, người theo dõi thị trường cà phê tại công ty tư vấn Archer Consulting, cho biết đối với giống cà phê arabica, trước đó hầu hết nhà phân tích dự đoán sản lượng của Brazil sẽ tăng trong năm tới nhờ những cơn mưa thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, hiện tại nhiệt độ trên mức trung bình đang gây lo ngại.
Hợp đồng cà phê arabica tương lai tại sàn New York đã tăng 1,2% tại vào thứ Hai (13/11). Giá cà phê arabica đã tăng 15% trong tháng qua, chủ yếu do các nhà giao dịch mua lại vị thế bán khống (short covering). Điều đó xảy ra khi lượng dự trữ trên sàn giao dịch giảm và phiên đáo hạn phái sinh diễn ra vào cuối tuần trước khiến thị trường biến động.
Theo Tổ Chức cà Phê Quốc tế (ICO), tồn kho cà phê được chứng nhận tại New York và London có xu hướng giảm trong tháng 10. Trong đó, tồn kho robusta trên sàn London giảm 7,9% xuống 0,67 triệu bao (loại 60 kg), arabica được chứng nhận tại New York giảm 10,7% xuống còn 0,44 triệu bao và là con số thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
Việt Nam đã phải đối mặt với nguồn cung cạn kiệt kể từ đầu quý IV niên vụ cà phê 2022-2023, khi tồn kho được báo cáo ở mức thấp. Hiện tại, Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch của niên vụ 2023 - 2024.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) cho biết sản lượng thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm. Niên vụ trước tồn kho cuối vụ vào tháng 9/2022 ước khoảng 160.000 tấn, trong khi tháng 9/2023 tồn kho chuyển sang vụ mới 2023 - 2024 chỉ đạt 58.000 tấn.
VICOFA cho biết dự kiến niên vụ cà phê 2023-2024 sản lượng giảm 10%. Nguyên là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen canh tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.
Ngoài ra, do giá cà phê đang có xu hướng giảm nên một số vùng có hiện tượng hái xanh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê đầu niên vụ.