Kinh tế

Đa dạng sinh kế cho hộ nghèo vùng biên Tuy Đức

Kim Ngân 05/04/2023 05:00

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, đời sống người dân biên giới xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Quảng trực là xã biên giới, điều kiện về hạ tầng thấp, đời sống của người dân tại các bon đồng bào DTTS tại chỗ còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

dsc_0970(1).jpg
Cây mắc ca giúp người dân Quảng Trực phát triển kinh tế ổn định

Trước thực tế đó, huyện Tuy Đức đã triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo ở Quảng Trực. Trong đó, huyện triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế.

Chương trình có các gói hỗ trợ như: mua sắm công cụ sản xuất; trồng rừng; hỗ trợ dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh… Đến nay, chương trình đã phát huy hiệu quả.

Trước đây, gia đình ông Điểu Ol, ở bon Bu Prăng I, xã Quảng Trực, là hộ nghèo. Ông được huyện hỗ trợ nhà ở, bò giống, cây giống mắc ca, phân bón và cho vay ưu đãi 50 triệu đồng để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi.

Theo ông Điểu Ol, những năm về trước, do thiếu vốn sản xuất, canh tác lạc hậu, nên thiếu cái ăn quanh năm. Năm 2012, Nhà nước cấp cho ông 360 cây mắc ca để trồng xen trong vườn cà phê.

Đến nay, vườn mắc ca đã cho thu chính. Mỗi năm ông thu được khoảng 0,5 tấn quả mắc ca, với giá bán dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu đáng kể, giúp gia đình ông đủ trang trải cuộc sống.

Ngoài ra, gia đình ông còn được hỗ trợ một cặp bò giống. Đến nay, bò đã sinh được 1 bê con khỏe mạnh. Ông Điểu Ol cho hay: “Tôi rất hy vọng vào sự phát triển của đàn bò. Gia đình sẽ chú tâm chăm sóc để tăng số lượng đàn bò trong thời gian tới”.

dsc_1358(1).jpg
Việc hỗ trợ bò giống giúp gia đình ông Điểu Ol có thêm nguồn thu nhập

Còn gia đình bà Thị Nớ, ở bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, cũng được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón để trồng 2 ha mắc ca, 2 ha cà phê. Mỗi năm, nguồn thu từ mắc ca, cà phê đã mang lại cho bà trên 160 triệu đồng.

Bà Thị Nớ cho biết: “Từ khi được Nhà nước hỗ trợ giống, các cán bộ kỹ thuật đến tận rẫy hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn, nên kinh tế gia đình tôi ngày một ổn định. Vì thế tôi luôn cố gắng lao động không để tái nghèo”.

Gia đình ông Điểu Drây, cũng trú tại Quảng Trực, trồng hơn 3 ha mắc ca, 2 ha cà phê. Hàng năm, ông thu được hơn 200 triệu đồng và nhanh chóng vươn lên hộ khá giả...

Ông Điểu Plơu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, hàng năm, người nghèo đều nhận được sự hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vốn ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước.

Hiện đa số người nghèo trên địa bàn xã đều trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây mắc ca, cà phê, tiêu, điều... Chính vì vậy, nguồn thu nhập của họ ngày càng ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều bà con còn được cấp đất ở, nhà ở, đất sản xuất, với diện tích 2 ha/hộ. Nhờ sự hỗ trợ này đã giúp bà con tự chủ sản xuất, tự lựa chọn sinh kế để vươn lên thoát nghèo.

dsc_1348(1).jpg
Người dân được hỗ trợ máy xới để sản xuất lúa nước

Hiện nay, huyện Tuy Đức đang triển khai Chương trình hỗ trợ nhân rộng mô hình mắc ca; hỗ trợ kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu; Chương trình sinh kế chăn nuôi bò, dê, ngan…

Thông qua các hình thức hỗ trợ này, nhiều hộ nghèo đã dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, bà con không còn tư tưởng chặt phá rừng, di canh tự do. Cuộc sống đồng bào các thôn bon khu vực biên giới Tuy Đức có nhiều bước chuyển mới.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đa dạng sinh kế cho hộ nghèo vùng biên Tuy Đức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO