Thêm tự hào về văn hóa truyền thống
Tham gia liên hoan, các đoàn đã mang đến 53 tiết mục dân ca mượt mà, ngọt ngào và sâu lắng. Những tiết mục biểu diễn nhạc cụ; trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các vùng miền, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên cao nguyên M’nông.
Đối với nhiều người, để tham gia hội thi lần này, họ đã chủ động sắp xếp công việc chuyên môn, gia đình, dành nhiều thời gian, công sức để luyện tập. Chị Nguyễn Thị Cúc, Đoàn Văn nghệ dân gian huyện Đắk Mil chia sẻ: “Đến với liên hoan lần này, chúng tôi phải cố gắng rất nhiều, tập luyện 2 chương trình một lúc để tham gia liên hoan và biểu diễn tại Lễ khánh thành tượng đài N’Trang Lơng, với mong muốn mang đến cho đông đảo người xem những tiết mục đặc sắc nhất”.
Nhiều tiết mục đầu tư công phu và mang đến những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng |
Một trong những thành công của liên hoan lần này là thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Các bạn trẻ mạnh dạn, tự tin thể hiện tài năng và lòng yêu âm nhạc dân tộc qua các ca khúc, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Các bạn đã cống hiến cho khán giả, công chúng những tiết mục dân ca, màn biểu diễn đặc sắc. Đối với thế hệ trẻ - lớp kế cận thì đây không chỉ là cơ hội để các em thể hiện, tỏa sáng, giải trí mà còn là niềm vinh dự, tự hào khi đem được bản sắc văn hóa dân tộc đến giới thiệu với mọi người.
Em Hầu Thị Lia, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Ngôi trường của chúng em hội tụ rất nhiều dân tộc anh em. Ở trường có rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, các ngày lễ tết, sáng thứ 2 hàng tuần, các câu lạc bộ lại sinh hoạt, biểu diễn, giao lưu những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc. Hôm nay đến đây, chúng em rất phấn khởi vì thể hiện được lòng tự hào với văn hóa truyền thống, lại có cơ hội học hỏi, giao lưu và tìm hiểu nhiều nét văn hóa ở các dân tộc khác”.
Thế hệ trẻ tham gia liên hoan mang đến tinh thần học hỏi, lan tỏa mạnh mẽ |
Vui và tự hào, em Điểu Tran, Đoàn huyện Tuy Đức cũng đã học hỏi thêm nhiều điều từ các nghệ nhân lớn tuổi, biết thêm được nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc từ các đội bạn. Có nhiều bài dân ca cổ, các nghi lễ sinh hoạt truyền thống của dân tộc mà thế hệ trẻ như em chưa có cơ hội được biết đến, hôm nay Điểu Tran được nghe, xem các nghệ nhân lớn tuổi biểu diễn.
Chị Thị Mai, Đoàn huyện Đắk Song vui vẻ nói: “Đến với Liên hoan dân ca lần này tôi rất vinh dự và tự hào khi được ôn lại, kể lại những bài sử thi của người M’nông. Tôi hy vọng những nét văn hóa này không bị mất đi, lớp già sẽ truyền dạy lại cho lớp trẻ. Mong tỉnh nhà sẽ tổ chức nhiều hơn những cuộc thi, sân chơi như thế này để chúng tôi được giao lưu, học hỏi”.
Mượt mà, đa dạng sắc màu
Sau hai ngày tranh tài sổi nổi, Liên hoan Dân ca các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã khép lại. Ban Tổ chức đã trao tổng cộng 42 giải cho các thể loại. Trong đó, giải tập thể có 5 giải A, 5 giải B, 5 giải C; giải cá nhân có 4 giải A, 4 giải B, 3 giải C. Đoàn huyện Tuy Đức đạt giải nhất toàn đoàn; giải nhì toàn đoàn thuộc về huyện Đắk Mil và huyện Đắk Song; đồng giải ba toàn đoàn gồm có huyện Đắk R’lấp, Đắk Glong và Trường THPT DTNT N’Trang Lơng.
Nhiều sắc thái dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc và vùng miền |
Nhiều tiết mục được dàn dựng, phục dựng công phu, hoành tráng góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng của bức tranh văn hóa 40 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Cùng với trang phục đầu tư chỉn chu, lối trình diễn tự tin, truyền cảm, trong sáng của các nghệ nhân, diễn viên đã thu hút khán giả và thuyết phục được Ban Giám khảo. Nhiều tiết mục tập thể có chất lượng cao, xử lý sắc thái bài hát một cách điêu luyện như "Ru em" – Dân ca Xê Đăng của Đoàn huyện Đắk Mil; "Kok Kech" – Dân ca Mạ của Trường THPT DTNT N’Trang Lơng; "Tương phùng Tương nghộ" - Quan họ Bắc Ninh của Đoàn huyện Tuy Đức… Một số tiết mục cá nhân có sự đầu tư luyện tập, chất giọng khỏe khoắn, tròn trịa, âm điệu chuẩn xác như "Hát sử thi đón khách" của nghệ nhân Thị Mai, Đoàn huyện Đắk Song; "Ru em" của nghệ nhân H’Grưu, Đoàn huyện Đắk R’lấp; "Trăng soi đường Bác" do Hoàng Văn Lợi, Hội người mù tỉnh Đắk Nông biểu diễn...
Đánh giá về các tiết mục liên hoan lần này, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Trưởng Ban Giám khảo cho biết, Liên hoan lần này có sự tham gia của các nghệ nhân lớn tuổi, đặc biệt là có sự trao truyền thế hệ, trong đó có sự tham gia của các em học sinh trường dân tộc nội trú, các em thiếu nhi… Đây là sự tiếp nối trong công tác bảo tồn di sản văn hóa đối với loại hình dân ca các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hầu hết đoàn xây dựng chương trình và bám sát chủ đề theo quy định, chất lượng chuyên môn cao, có sự đầu tư về kịch bản, dàn dựng, bố cục hợp lý, kết cấu chặt chẽ.