Đời sống

Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

Thanh Hằng 03/05/2023 05:00
ADQuảng cáo

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện còn 11,19% hộ thuộc diện nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số gần 28%. Để khuyến khích giảm nghèo, các địa phương đã ưu tiên lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân.

Triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ sinh kế

Những ngày đầu tháng 4, gia đình chị H’Chên, thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung (Krông Nô) vui mừng về sống trong căn nhà mới sau nhiều năm liền phải sống trong căn nhà gỗ xuống cấp, hư hỏng. Ngoài số tiền 40 triệu được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị H’Chên còn được vay vốn chính sách 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, nhờ đó mà căn nhà của chị H’Chên khang trang, kiên cố và đầy đủ hơn.

Cùng với chị H’Chên, 4 hộ nghèo khác trên địa bàn xã Nâm Nung cũng được hỗ trợ tiền và vay vốn ưu đãi, tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ đối ứng thêm một số tiền để hoàn thiện căn nhà. Đến nay, cả 5 hộ dân nhận được hỗ trợ đã về ở trong căn nhà khang trang, ấm cúng, tạo động lực cho các gia đình cố gắng phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.

hinh-trao-nha(1).jpg
UBND xã Nâm Nung trao nhà cho gia đình hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Nung cho biết, chị H’Chên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mới qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Để chạy chữa cho chồng, gia đình chị H’Chên phải bán một phần đất rẫy nên hai mẹ con chỉ còn một ít đất sản xuất. Là đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, thiếu đất sản xuất, nên nhận được sự hỗ trợ, không chỉ gia đình chị H’Chên mà địa phương cũng rất phấn khởi. 

Cùng với chị H’Chên, 4 hộ nghèo khác trên địa bàn xã Nam Nung cũng được hỗ trợ tiền và vay vốn ưu đãi, tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ đối ứng thêm một số tiền để hoàn thiện căn nhà. Đến nay, cả 5 hộ dân nhận được hỗ trợ đã về ở trong căn nhà khang trang, ấm cúng, tạo động lực cho các gia đình cố gắng phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.  

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Nung H’Thương cho biết, năm 2022, UBND huyện Krông Nô giao chỉ tiêu cho xã Nam Nung giảm 45 hộ nghèo, tuy nhiên thực tế xã đã giảm được 53 hộ nghèo. Kết quả đạt được rất tích cực, cho thấy địa phương đã xác định nhiệm vụ giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị.

“Năm 2022, xã Nam Nung có hơn 128 hộ nghèo, nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng tôi còn khoảng hơn 80 hộ, phần lớn là các hộ dân là người dân tộc thiểu số, gặp khó khăn về tư liệu sản xuất hoặc có người thân bị bệnh hiểm nghèo. Năm 2023, xã Nam Nung tiếp tục triển khai một số chương trình, đề án giúp người dân thoát nghèo, trong đó có hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời phát huy tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân”, bà H’Thương nói.

sinh-ke-thoat-ngheo-2(1).jpg
Nhiều gia đình là hộ nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn chính sách để có cơ hội thoát nghèo.

Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND Quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Nội dung nghị quyết đã bổ sung các chính sách hỗ trợ về giáo dục và nhà ở cho các hộ nghèo và cận nghèo, nhất là nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục, tỉnh sẽ hỗ trợ 150.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo (từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) để mua sách vở và đồ dùng học tập. Ngoài ra, học sinh, sinh viên là thành viên của hộ thoát nghèo trong giai đoạn này cũng được hỗ trợ mức 100.000 - 150.000 đồng/người/tháng.

Đối với chính sách hỗ trợ về nhà ở, tỉnh sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn làm nhà giai đoạn 2023 - 2025. Riêng các gia đình cư trú tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc hộ neo đơn, tàn tật, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Có thể thấy, công tác giảm nghèo của tỉnh được triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 19,26% năm 2015 xuống 7,97% trên tổng số hộ toàn tỉnh năm 2022. Trong số này, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 8,55%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 8,45%.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông vẫn còn tồn tại, khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của khu vực Tây Nguyên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; kết quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo mới còn cao. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức khá cao; một bộ phận người nghèo thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

sinh-ke-thoat-ngheo(1).jpg
Hiện nay người nghèo đã được tiếp cận với nhiều nguồn vốn chính sách.

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som (Đắk Glong) cho biết, là địa phương có hơn 80% dân số là dân tộc thiểu số, đa phần người dân có trình độ văn hóa thấp đã ảnh hưởng ít nhiều tới công tác giảm nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, xã Đắk Som cũng gặp khó khăn liên quan đến vấn đề quy hoạch.

“Năm 2022, toàn xã giảm được hơn 17% tỷ lệ hộ nghèo, là địa phương có kết quả giảm nghèo ấn tượng của huyện Đắk Glong. Tuy nhiên đến nay vẫn còn hơn 37% tỷ lệ hộ nghèo. Công tác giảm nghèo vẫn gặp một số trở ngại như người dân chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thiếu phân bón; giống cây trồng, vật nuôi chưa bảo đảm; tỷ lệ hộ cần nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao…”, ông Lê Văn Đại thông tin.

Cũng giống như Đắk Som, tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn của xã Hưng Bình (Đắk R’lấp). Bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, nhân rộng các mô hình, sáng kiến xóa đói giảm nghèo thì khơi gợi ý thức thoát nghèo, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống đang được xã Hưng Bình đẩy mạnh.

sinh-ke-thoat-ngheo-3(1).jpg
Một số địa phương vẫn gặp khó khăn trong công tác giảm nghèo do ý thức thoát nghèo của người dân chưa cao.

Bà Vũ Bích Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Bình đánh giá, mặc dù đã triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, vay vốn đầu tư, xóa nhà tạm, song ý thức thoát nghèo của người dân vẫn chưa cao.

“Một số hộ dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, chưa tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số gia đình vẫn giữ thói quen sinh hoạt theo kiểu tự cung, tự cấp, chưa biết tích lũy nên tỷ lệ thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa cao”, bà Điệp cho hay.

Giảm nghèo đa chiều, hạn chế tài nghèo

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên, góp phần đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra, đưa Đắk Nông “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.  Để từng bước hoàn thành mục tiêu này, mới đây UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 219/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.

Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

vung-dong-bao-dtts(1).jpg
Trong thời gian tới, một số địa phương sẽ được hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế.

Đối với các xã thuộc huyện nghèo, sẽ được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; triển khai thực hiện các chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách,…

Tỉnh Đắk Nông cũng ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp về quy mô và chất lượng, đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp phù hợp xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững cho người nghèo, tạo điều kiện để đối tượng, được đào tạo nghề, phát triển sản xuất, có việc làm ổn định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO