Theo Tỉnh đoàn Đắk Nông, tỉnh hiện có khoảng 176.000 người trong độ tuổi thanh niên, chiếm 28% dân số. Toàn tỉnh có 141 chi đoàn cơ sở, 151 đoàn cơ sở với hơn 31.000 đoàn viên.
Phiên tòa giả định trong chương trình giáo dục pháp luật do các tổ chức đoàn thanh niên tổ chức tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R’lấp) |
Thanh niên là lực lượng lao động năng động, sáng tạo và có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là lực lượng “nhạy cảm” với pháp luật nhất. Một bộ phận thanh niên còn thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng và xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong bộ phận này vẫn còn diễn ra.
Sau khi vi phạm pháp luật và phải chấp hành án phạt, nhiều thanh niên gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Điều này làm cho họ mặc cảm, mất định hướng và thiếu niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ dễ bị lôi kéo, tái phạm.
Xác định được thực trạng trên, những năm qua, tổ chức đoàn, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã đứng ra tập hợp, giúp đỡ nhiều thanh niên hoàn lương. Không chỉ tạo cơ hội học tập và làm việc, các cấp hội còn tổ chức nhiều hoạt động phong trào để giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng sống.
Theo Tỉnh đoàn, hiện 71/71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”. Các đội thanh niên có nhiệm vụ tập trung đi vào chiều sâu, tiếp cận theo nhóm đối tượng cá biệt, thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa để kèm cặp, cảm hóa, giáo dục thanh niên lầm lỡ. Các đội đã giúp đỡ cho 368 thanh, thiếu niên cá biệt trên địa bàn tỉnh trở nên tiến bộ và hòa nhập thành công với cộng đồng.
Những năm gần đây, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Công an tỉnh thực hiện Nghị quyết về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên”. Tỉnh đoàn cũng phối hợp thường xuyên với Trại giam Đắk P'lao (Đắk Glong) tổ chức chương trình phối hợp qua nhiều hình thức diễn đàn: “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, “Khát vọng hoàn lương”, “Thắp sáng ước mơ ngày trở về”… Các tổ chức đoàn thanh niên cơ sở đã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về các chủ đề phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong các buổi sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn hóa, văn nghệ hay cuộc thi tìm hiểu pháp luật.
Ngoài đoàn thanh niên, các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã có nhiều hoạt động phối hợp trong phòng chống tội phạm.Tiêu biểu như chương trình phối hợp “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Công an tỉnh.
Các chương trình hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người và tệ nạn xã hội tại các trường học, khu dân cư… do các đơn vị như Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nhiều đơn vị còn tổ chức tuyên truyền lưu động, chiếu phim, đăng các tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin, mạng xã hội…
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (BCĐ tỉnh), những năm gần đây, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh ngày càng có xu hướng giảm. Trong đó, công tác tuyên truyền góp vai trò rất quan trọng.
Đồng chí Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian qua, các cơ quan thành viên của BCĐ tỉnh đã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về phòng chống tội phạm vào các chương trình, công tác chuyên môn. Với các hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, công tác tuyên truyền đã từng bước nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tội phạm trong Nhân dân. Điều này đã và đang góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh”.