Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh hiến máu tình nguyện |
Yếu tố quan trọng trước hết mà các cấp đoàn, hội chú trọng đó chính là khâu con người. Thực tế chứng minh, ở đâu, cán bộ đoàn, hội nhiệt tình, năng nổ, tâm huyết, luôn suy nghĩ cho tổ chức, cho đoàn viên, hội viên thì ở đó tổ chức mạnh. Ngược lại, nếu cán bộ đoàn, hội “lười” tư duy, vận động có gì làm cái đó, dễ làm, khó bỏ qua thì khó thành công. Như hiện nay, một trong những vấn đề khó của hầu hết các tổ chức đoàn, hội chính là kinh phí hoạt động, nhất là cấp cơ sở.
Để khắc phục khó khăn này, nhiều tổ chức đoàn, hội cơ sở đã vận động ĐVTN xây dựng nhiều nguồn quỹ hoạt động bằng các hình thức như đảm nhận các công trình vệ sinh cơ quan, đơn vị hoặc làm thuê cho các gia đình; thu gom ve chai, phế liệu để bán…Từ những nguồn thu đó, nhiều đoàn cơ sở đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa, thu hút ĐVTN tham gia.
Điển hình như Đoàn xã Nam Xuân (Krông Nô) tổ chức ĐVTN nhận làm thuê ở các hộ gia đình, một phần trích quỹ để hoạt động, một phần các bạn giữ lấy để lo cho cuộc sống của mình. Đoàn cơ sở Tòa án nhân dân tỉnh thì thu gom ve chai, bán card điện thoại để tổ chức các hoạt động tặng quà, giúp đỡ người dân vùng khó. Đoàn cơ sở Tỉnh đoàn vận động đoàn viên đóng góp 500 đồng mỗi ngày, thu gom những vật dụng, đồ chơi cũ tặng trẻ em vùng sâu, vùng xa. Qua đó, các tổ chức đoàn không chỉ tập hợp được ĐVTN sinh hoạt mà còn xây dựng được nhiều hoạt động, phong trào nhằm phát huy tính xung kích của tuổi trẻ và luôn được đánh giá là “những cánh chim đầu đàn” trong phong trào ở địa phương.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh đã chủ trương đưa các hoạt động hướng về cơ sở nhằm đẩy mạnh phong trào tại địa phương, tạo điều kiện phát triển kỹ năng cho ĐVTN. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, Tỉnh đoàn đều ưu tiên tổ chức các hoạt động thiện nguyện về vùng sâu, vùng xa. Bởi ở khu vực khó khăn, kinh phí ít, để vận động được nguồn lực tại chỗ hỗ trợ là việc không hề dễ dàng, nếu như không có sự quan tâm của Đoàn cấp trên thì sẽ dẫn đến tâm lý nản lòng đối với cán bộ đoàn.
Hội LHTN tỉnh phối hợp tổ chức khám, cấp phát thuốc cho người dân xã Đắk Búk So (Tuy Đức) |
Điển hình, vào dịp Tết Mậu Tuất- 2018, Hội LHTN tỉnh phối hợp với Huyện đoàn Tuy Đức và Nhóm những người bạn đến từ TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Xuân biên giới-Tết yêu thương mừng Xuân Mậu Tuất 2018” tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức). Ngoài việc giao lưu, thưởng thức các tiết mục văn nghệ chào mừng xuân mới, học sinh, các hộ nghèo, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số còn được tặng quà, học bổng, xe đạp. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho khoảng 200 lượt người dân ở xã Đắk Búk So và tặng 1 căn nhà tình thương trị giá 40 triệu đồng cho 1 hộ nghèo ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).
Theo anh Châu Ngọc Lương, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, đây là hoạt động được các đơn vị phối hợp tổ chức thường xuyên tại huyện Tuy Đức từ nhiều năm nay nhằm góp phần chia sẻ, giúp bà con vùng khó khăn thêm ấm áp mỗi dịp xuân về tết đết. Hơn hết, hoạt động này sẽ phần nào giúp cán bộ, ĐVTN ở vùng sâu vùng xa thêm gắn kết với tổ chức Đoàn, Hội, sẵn sàng trong mọi phong trào, hoạt động. Thông qua các hoạt động, Đoàn cấp trên giới thiệu, hướng dẫn Đoàn cơ sở làm quen, xây dựng mối quan hệ với các đơn vị tài trợ để từng bước tự kêu gọi, vận động và tổ chức các hoạt động tại chỗ.
Hội LHTN tỉnh phối hợp tặng xe đạp cho học sinh vượt khó học giỏi xã Đắk Búk So (Tuy Đức) |
Một hoạt động nữa là đồng hành cùng thanh niên trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Thanh niên khu vực nông thôn chủ yếu là làm nông nghiệp, nhất là thanh niên ở vùng sâu, không có việc làm, kinh tế khó khăn, không gắn bó với các sinh hoạt đoàn. Vì vậy, đồng hành cùng thanh niên trong lập thân lập nghiệp là cách để “giữ chân” ĐVTN hữu hiệu nhất. Chỉ tính trong năm 2017, các cấp đoàn, hội đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, định hướng việc làm, hỗ trợ vốn vay cho ĐVTN như: “Phiên giao dịch việc làm”, “Chương trình tiếp sức người lao động và Ngày hội tuyển dụng-việc làm"...
Đặc biệt, trong Tháng Thanh niên năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức được 71 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.400 ĐVTN; hỗ trợ trên 16,7 tỷ đồng vốn vay giải quyết việc làm. Đối với thanh niên sau khi xuất ngũ cũng được tư vấn, hỗ trợ giải quyết việc làm trước khi về địa phương, có sự định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho tương lại của mình.
Qua các hình thức thu hút, tập hợp, ĐVTN trong tỉnh luôn thể hiện là lực lượng xung kích, đi đầu trong các phong trào, hoạt động do địa phương, tổ chức Đoàn, Hội phát động, với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.