Chính trị

Đá Bàn hôm nay

Đình Lâm-Công Định 27/04/2023 22:16

Trong 2 cuộc kháng chiến, Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) được biết đến là căn cứ địa cách mạng vững chắc. 48 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng rừng núi Đá Bàn năm xưa đã vươn mình trở thành một miền quê trù phú.

ADQuảng cáo
son1.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh thăm Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Đá Bàn

Ở lại với vùng rừng núi

Về Đá Bàn hôm nay, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, các tuyến đường nhựa dài tít tắp làm thay đổi diện mạo vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa.

Sự phát triển của Đá Bàn có lẽ đặc biệt hơn so với nhiều địa phương khác. Trong kháng chiến, nơi này chỉ có núi và rừng, dân cư thưa thớt. Khi đất nước thống nhất, không ít người từng chiến đấu tại đây đã về lại để xây dựng vùng đất khô cằn, tạo nên nền tảng cho Ninh Sơn phát triển như hôm nay.

Ông Nguyễn Minh Ấp (sinh năm 1945, hoạt động ở Đá Bàn thời kháng chiến chống Mỹ) bồi hồi nhớ lại: “Thời chiến, vùng đất này chỉ có cọp, beo. Người dân sinh sống ở xã Ninh An là chính, ít ai lên đây. Cách trụ sở UBND xã hiện nay không xa là khu vực Cầu Sắt, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc đụng độ của quân ta và địch. Từ căn cứ địa Đá Bàn, bộ đội ta đã tổ chức nhiều trận đánh ở Dục Mỹ, Ninh Thượng… gây thiệt hại lớn cho quân địch. Cùng với đó, quân và dân Đá Bàn cũng đã anh dũng, mưu trí đứng lên tổ chức các trận đánh chống lại những đợt càn quét của địch; quân và dân thời đấy vừa sản xuất vừa chiến đấu cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng”.

son2.jpg
Ninh Sơn nhìn từ trên cao

Từ vùng căn cứ địa heo hắt, mang đầy thương tích của chiến tranh, Ninh Sơn bắt đầu được tái thiết bằng chính bàn tay của những người năm xưa đã được nơi này chở che. Bước ra khỏi cuộc chiến, những người như ông Nguyễn Minh Ấp đã tình nguyện ở lại lập nghiệp.

“Dù sinh ra và lớn lên ở miền biển nhưng gắn bó với Đá Bàn trong giai đoạn kháng chiến khiến tôi không thể xa nơi này. Đã từng có thời gian ngắn tôi về Ninh Diêm lập nghiệp, nhưng lại nhớ căn cứ địa, nhớ nơi che chở cho mình trong kháng chiến nên tôi quyết định quay lại ở hẳn nơi đây”, ông Ấp tâm sự.

Một điều đặc biệt, để có được Ninh Sơn như hôm nay, đa phần những thế hệ đầu tiên lập nghiệp tại Đá Bàn sau ngày đất nước thống nhất không phải là người ở địa phương mà đến từ nơi khác. Chỉ vì nặng tình với chiến khu xưa, họ đã đến và ở lại để bắt đầu công cuộc dựng xây quê hương thứ 2. Cứ như vậy, vùng rừng núi chỉ có tiếng cọp, beo, tiếng súng của những trận đánh ác liệt năm xưa, giờ đã dần đổi thay. Kinh tế - xã hội của Ninh Sơn bắt đầu phát triển từ những sự khác biệt đó.

Bước tạo đà từ khu kinh tế mới

Nói đến Đá Bàn hôm nay, dường như ai cũng nghĩ đến nơi ghi dấu ấn về những thành tựu của lòng quyết tâm làm thay đổi một vùng đất khó. Sau ngày đất nước giải phóng, Đá Bàn như một đại công trường với nhiều công trình, dự án được triển khai. Năm 1978, Đá Bàn được thành lập Khu kinh tế mới Hòa Sơn. Đến năm 1980, Nông trường bông Đá Bàn thuộc Công ty Bông Trung ương hình thành. Cũng trong những năm đầu giải phóng, hồ thủy lợi Đá Bàn được xây dựng, góp phần đưa nguồn nước về sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho các địa phương ở khu vực đồng bằng thị xã Ninh Hòa.

son3.jpg
Ninh Sơn ngày càng thay đổi

Ông Ngô Lân - cựu thanh niên xung phong lên xây dựng khu kinh tế mới Đá Bàn kể: “Ngày đó, khu vực này còn rất hoang vu. Hàng ngàn người lên mảnh đất này chung tay xây dựng khu kinh tế mới và công trình thủy lợi hồ Đá Bàn. Những sức trẻ đã lao động cật lực ngày đêm để biến một vùng đất toàn gốc cây rừng thành những cánh đồng màu mỡ. Khi công trình hồ Đá Bàn hoàn thành, cả một vùng rộng lớn đã hiện diện màu xanh ngút ngàn của cây lúa. Một thời tuổi trẻ của chúng tôi đã đi qua như thế…”.

Đáng trân trọng hơn, để có Ninh Sơn như hôm nay, tất cả được bắt đầu từ sự cống hiến của sức trẻ. Vì lý tưởng cách mạng, vì sự phát triển của quê hương, đất nước, nhiều thanh niên sẵn sàng hy sinh những tháng năm tươi đẹp nhất của cuộc đời để đến dựng xây và ở lại Đá Bàn.

Bà Hoàng Thị Hiền - một trong những cán bộ khung của Công ty Bông Trung ương vào Đá Bàn năm 1980 bồi hồi cho biết: “Vốn đang quen sống ở Hà Nội, khi xung phong vào trong này, tôi chỉ nghĩ đi thời gian ngắn rồi về lại miền Bắc. Lúc đầu vào cũng thấy buồn, cái gì cũng lạ lẫm; nhưng sống một thời gian, tôi thấy yêu mến vùng đất này nên quyết định ở lại. Bây giờ, vùng đất khô cằn năm xưa đã nhường chỗ cho những cánh đồng màu mỡ, đồi mía, đồi keo ngút ngàn”.

Những thế hệ tiếp nối

Vùng đất hoang vu, cằn cỗi nay chỉ còn trong ký ức của người dân Ninh Sơn. Những cư dân từ nhiều vùng miền trong cả nước đến định cư làm ăn, sinh sống trên địa bàn xã Ninh Sơn hiện nay đã có thể hài lòng với sự phát triển của quê hương mình.

Về Ninh Sơn lần này, chúng tôi chợt phát hiện ra một điều khá thú vị là gần như tất cả cán bộ chủ chốt của xã hiện nay đều là con của những thanh niên đã về dựng xây Ninh Sơn sau năm 1975.

Anh Đào Trung Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết, ba, mẹ anh đều là thế hệ đầu tiên tham gia xây dựng vùng đất này. Thời đó, ba anh quê ở tỉnh Hưng Yên, là công nhân thủy lợi xây dựng hồ Đá Bàn, còn mẹ là công nhân của nông trường bông.

“Phát huy những giá trị mà thế hệ ba mẹ chúng tôi đã tạo lập, đến nay, thế hệ chúng tôi tiếp tục dựng xây, phát triển vùng căn cứ cách mạng Đá Bàn năm xưa ngày càng giàu đẹp hơn. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn; đời sống của người dân từng bước cải thiện, đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,58%; thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng lên, hơn 41 triệu đồng/năm. Hiện tại, diện tích gieo trồng cây hàng năm của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi và các tổ liên kết ra đời. Ngoài cây lúa, nhân dân địa phương đã chủ động mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng năm, như: Bắp, mía, tỏi...”, anh Hải chia sẻ.

Anh Ngô Bảo Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cũng có ba mẹ là cựu thanh niên xung phong lên xây dựng khu kinh tế mới Đá Bàn. Anh Quốc cho biết, hầu hết thế hệ lãnh đạo ở địa phương đều là con em của những người tham gia dựng xây Đá Bàn sau ngày đất nước giải phóng. Dù mỗi người một quê nhưng tất cả đều đoàn kết, đồng lòng để Ninh Sơn có được như ngày hôm nay. Trong quá trình xây dựng, kiến thiết quê hương, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã hiến đất, hiến kế và góp tiền, tự giác tháo dỡ tài sản trên đất để làm đường; đóng góp kinh phí lắp hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường chính trong xã, chung tay xây dựng nông thôn mới. Với những nỗ lực đó, năm 2020, xã Ninh Sơn đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Rời Đá Bàn, cảm nhận sự đổi thay mạnh mẽ ở nơi đây, chúng tôi tin vùng đất của căn cứ địa cách mạng sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa trong tương lai. Đá Bàn xưa kia che chở bộ đội, vây ráp quân thù; Đá Bàn hôm nay đã đưa dòng nước mát về tưới những cánh đồng xanh tốt, đem lại những vụ mùa bội thu, nhiều vườn cây trĩu quả.

Theo baokhanhhoa.vn
https://baokhanhhoa.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-Vuon-Gon/202304/ky-niem-70-nam-chien-thang-vuon-gon-da-ban-20-4-1953-20-4-2023-da-ban-hom-nay-5fb39ae/
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đá Bàn hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO