Đất và người Đắk Nông

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông chủ động hội nhập quốc tế

Mỹ Hằng 04/12/2023 08:55

Tháng 7/2020, Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông chính thức gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Với danh hiệu cao qu‎ý này, tỉnh Đắk Nông đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ du lịch của Mạng lưới GNN (là một mạng lưới hỗ trợ của UNESCO phục vụ quản lý trong Ủy ban Khoa học Trái Đất và Sinh thái) và mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch tỉnh nhà.

hinh-4-(1).jpg
Đoàn Đắk Nông tham gia Hội nghị Mạng lưới CVĐCTC lần thứ 10 tại TP. Marrakech (Ma Rốc) (ảnh Ban quản lý CVĐC)

Là thành viên thứ 167 của Mạng lưới GNN và chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong vận hành và xây dựng CVĐC nên ngay từ khi được công nhận, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã nỗ lực tham dự tất cả các hoạt động của Mạng lưới GNN và Mạng lưới CVĐC Việt Nam để hội nhập quốc tế nhằm quảng bá du lịch CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Năm 2021, Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã tham dự trực tuyến các cuộc họp, diễn đàn, hội thảo và tích cực hưởng ứng các sự kiện do Mạng lưới CVĐCTC phát động như: Ngày quốc tế dân tộc bản địa thế giới (9/8); Ngày làm sạch thế giới (9/9); Ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13/10); Hội nghị trực tuyến hang động núi lửa quốc tế lần thứ 19 do Hiệp hội hang động núi lửa quốc tế tổ chức. Phối hợp, xây dựng chương trình hợp tác với CVĐCTC UNESCO Mt.Apoi (Nhật Bản)…

Tỉnh Đắk Nông đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 năm 2022 (ISV20) tại tỉnh Đắk Nông. Việc tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức Hội nghị ISV20 là một sự kiện đối ngoại quan trọng, giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất (có dấu vết của văn hóa người tiền sử) mang tầm quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Hội nghị thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, nâng cao thêm giá trị của hệ thống hang động, giá trị văn hóa đặc trưng; chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông.

Việc Đắk Nông chủ động đăng cai tổ chức một sự kiện khoa học mang tầm quốc tế khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, nhất là các di sản địa chất mang tầm quốc tế. Qua các sự kiện tại hội nghị, Đắk Nông mong muốn tìm kiếm được đối tác đồng hành để đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối các điểm đến trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; cụ thể hóa quan điểm “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông”. Đây là cơ sở đưa du lịch thực sự trở thành 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông, theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

hinh-3-(1).jpg
Nhóm các CVĐC có cảnh quan núi lửa trong Mạng lưới CVĐC Châu Á- Thái Bình Dương ký kết chương trình hợp tác (ảnh Ban quản lý CVĐC)

PGS. TS Trần Tân Văn, thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO cho biết, việc tỉnh Đắk Nông đăng cai Hội nghị ISV20 đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam với các quốc gia có hệ thống hang động trên thế giới, giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với Hiệp hội Hang động quốc tế nói chung và Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế nói riêng và với các thành viên thuộc Mạng lưới CVĐCTC. "Mặc dù là thành viên còn rất trẻ trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, nhưng việc tỉnh Đắk Nông được lựa chọn để đăng cai hội nghị quan trọng này đã nâng cao vị thế của địa danh Đắk Nông với bạn bè quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất” PGS. TS Trần Tân Văn nhìn nhận.

hinh-2-(1).jpg
Giới thiệu sản phẩm của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông (ảnh Ban quản lý CVĐC)

Mặt khác, trên cơ sở khuyến cáo của các nhà khoa học về tính quý hiếm và độc đáo của di sản địa chất “hang động núi lửa”. Đồng thời, qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu các CVĐCTC trong mạng lưới khu vực thì chỉ có 7/80 thành viên của mạng lưới khu vực có hang động núi lửa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã đề xuất ý tưởng thành lập một nhóm chuyên đề về hang động núi lửa trong Mạng lưới Châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích của nhóm chuyên đề nhắm chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn, khai thác và phát huy bền vững các giá trị của di sản địa chất độc đáo này.

Hiện nay, nhóm chuyên đề này đã được thành lập với 4 thành viên CVĐCTC UNESCO gồm: Đắk Nông (Việt Nam), Aso (Nhật Bản), Rinjani - Lombok (Indonesia) và Jeju (Hàn Quốc)). Đắk Nông đã chủ trì, phối hợp với CVĐCTC UNESCO Aso và Rinjani - Lombok tổ chức thành công Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Di sản địa chất trong các CVĐCTC UNESCO có cảnh quan núi lửa” chào mừng Ngày đa dạng địa chất quốc tế lần thứ I (6/10)…

hinh-1-(1).jpg
Đắk Nông tham gia Hội nghị quốc tế và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO tại tỉnh Ninh Bình (ảnh Ban quản lý CVĐC)

Năm 2023, Đắk Nông tham gia Hội nghị Mạng lưới CVĐCTC cầu lần thứ 10 tại TP. Marrakech (Ma Rốc). Hội nghị có sự tham gia của hơn 1500 đại biểu bao gồm các chuyên gia về công viên địa chất, nhà khoa học, các nhà quản lý công viên địa chất và đại diện của các tổ chức chính phủ đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại đây, bài tham luận về “Công tác bảo tồn, quản lý và nâng cao nhận thức về giá trị di sản trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông” nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự.

Có thể thấy, trong quá trình hoạt động từ khi được công nhận danh hiệu toàn cầu đến nay, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã thể hiện rõ tinh thần cầu thị, thái độ tích cực, chủ động hợp tác quốc tế với các thành viên trong mạng lưới khu vực và toàn cầu, từng bước góp phần thực hiện thành công chính sách đối ngoại của địa phương.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        CVĐCTC UNESCO Đắk Nông chủ động hội nhập quốc tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO