Cựu Thủ tướng Italy, lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao (M5S) Giuseppe Conte tại một sự kiện ở Rome, ngày 1/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo các phương tiện truyền thông đưa tin ngày 1/3, cựu Thủ tướng Italy, ông Giuseppe Conte đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tư pháp về cách xử lý của chính phủ đối với đợt bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020.
Một số bài báo cho biết ông Conte rơi vào “tầm ngắm” của những công tố viên ở thành phố Bergamo, sau khi họ kết thúc cuộc điều tra kéo dài 3 năm.
Thành phố miền Bắc Italy này từng là một trong những tâm dịch của đợt bùng phát COVID-19 tại châu Âu.
Ông Conte, hiện là lãnh đạo đảng Phong trào Năm sao theo chủ nghĩa dân túy, từng giữ chức Thủ tướng từ năm 2018-2021 và đảm nhận việc giám sát các biện pháp ban đầu được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Các thẩm phán điều tra nghi ngờ ông Conte và chính phủ của ông khi đó đã đánh giá thấp mức độ lây lan của COVID-19 mặc dù những dữ liệu cho thấy các ca mắc đã gia tăng đáng kể ở thành phố Bergamo và các khu vực lân cận.
Cụ thể, đầu tháng 3/2020, chính phủ đã không thiết lập "vùng đỏ" đối với Nembro và Alzano Lombardo, 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, mặc dù các lực lượng an ninh đã sẵn sàng cách ly 2 khu vực này.
Các vùng đỏ đã được ban hành vào cuối tháng 2/2020 đối với khoảng 12 thành phố lân cận khác, bao gồm cả Codogno - thị trấn phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên.
Các công tố viên ở Bergamo nói rằng theo giới chuyên gia khoa học, việc cách ly, khoanh vùng sớm có thể cứu sống hàng nghìn mạng người.
Cũng theo các bài báo, Bộ trưởng Y tế, ông Roberto Speranza và Chủ tịch vùng Lombardy, ông Attilio Fontana, đang bị điều tra.
Truyền thông dẫn lời ông Conte cho biết ông "không lo lắng" về cuộc điều tra, đồng thời khẳng định chính phủ của ông khi đó đã hành động với cam kết và trách nhiệm cao nhất đối với người dân trong thời điểm khó khăn nhất.
Tương tự tại một số nước khác, nhiều quan chức cũng bị kiện với cáo buộc không hành động nhanh chóng chống lại đại dịch đã cướp đi 6,8 triệu mạng sống trên toàn thế giới kể từ đầu năm 2020./.