Cựu chiến binh Krông Nô giúp nhau phát triển kinh tế
Các cấp hội cựu chiến binh (CCB) huyện Krông Nô (Đắk Nông) triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.
Hướng tới mục tiêu không còn hội viên nghèo
CCB Hoàng Văn Nhót, thôn Esa Nô là hội viên nghèo duy nhất của Hội CCB xã Đắk D'rô. Năm 2000, CCB Nhót vào Đắk D'rô xây dựng cuộc sống mới. Do thiếu đất đai sản xuất, sức khỏe yếu nên cuộc sống của ông nghèo vẫn hoàn nghèo.
Gia đình chỉ có vài sào ruộng, một miếng đất vỏn vẹn làm căn nhà tạm để ở. Mỗi năm vào mùa mưa, nước dâng cao, ruộng lúa bỏ hoang. Căn nhà đang ở cũng bị nứt tường, phải dùng mấy cây gỗ tạp để chống đỡ.
Cảm thông trước hoàn cảnh của đồng đội, đầu năm 2024, 46 hội viên Chi hội CCB thôn cùng bàn bạc, thống nhất đóng góp mỗi người 300.000 đồng hỗ trợ CCB Nhót mua bò giống về nuôi. CCB Nhót cho biết: “Tôi tuổi già, chân tay yếu, muốn đi làm thuê không được. Vợ thì bệnh, không được nhanh nhẹn. Con cái còn đi học nên cuộc sống cứ tạm bợ, dắt díu nhau qua ngày. Được Chi hội CCB thôn hỗ trợ 1 con bò giống, gia đình tôi mừng lắm. Vợ chồng tôi cố gắng chăm sóc con bò thật tốt để làm sinh kế lâu dài”.
Theo ông Trần Văn Khá, Chi hội trưởng CCB thôn Esa Nô, cuối năm 2023, Hội CCB xã phát động xây dựng mô hình 5+1 nhằm phát huy nội lực của hội viên giúp hội viên Nhót. Qua nắm bắt thực tế, chi hội thấy chỉ có hỗ trợ bò giống là phù hợp nhất. Ông Khá cho biết: “Trước khi mua bò, chúng tôi trực tiếp đi tìm nơi cung cấp con giống bảo đảm. Sau đó, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương, hội CCB xã và gia đình CCB Nhót đi đến nơi cung cấp để thống nhất. Ngày bàn giao bò, chúng tôi động viên hội viên cố gắng chăn nuôi tốt để sinh đàn, không vì khó khăn mà bán con giống. Trường hợp bò chăn nuôi kém phát triển hay có vấn đề gì thì báo với chi hội để đổi con giống khác”.
Hội CCB xã Đắk D'rô còn giúp nhau xây dựng những mô hình kinh tế mới để hội viên khác học tập.
Cuối năm 2022, Chi hội trưởng CCB thôn Esa Nô Trần Văn Khá là thành viên đầu tiên được Ban Chấp hành Hội CCB xã đóng góp hỗ trợ để chăn nuôi hươu lấy nhung. Với 30 triệu đồng, trong đó Hội CCB xã hỗ trợ 15 triệu đồng, ông Khá đã mua 1 cặp hươu về nuôi. Đến nay, nhờ chăm sóc tốt, không chỉ bán được mấy đợt nhung hươu Khá còn gây đàn được 7 con, trong đó có 3 con đang mang bầu.
“Chính sự hỗ trợ của anh em trong Ban Chấp hành Hội đã giúp tôi thêm mạnh dạn, dám đưa những con giống mới vào nuôi nhằm nâng cao thu nhập. Dù không thuộc diện khó khăn, bản thân vẫn luôn tiên phong trong phát triển kinh tế nhưng thực sự nếu không có sự động viên, chia sẻ, khích lệ của anh em, mô hình chăn nuôi hươu chưa triển khai được”, ông Khá cho biết.
Theo ông Phạm Văn Đoán, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Đắk D'rô, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững là hoạt động được các cấp hội CCB triển khai thường xuyên. Vào mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, các cấp hội đều triển khai những mô hình, cách làm khác nhau đồng hành cùng hội viên xóa nghèo và làm giàu. Đến nay, Hội CCB xã đã hình thành các mô hình như hội viên khá, giàu giúp hội viên nghèo; hỗ trợ vốn, ngày công, cây, con giống; trao đổi, chia sẻ khoa học kỹ thuật; vận động đóng góp các nguồn quỹ xây dựng nhà đồng đội, vốn vay cho hội viên... Đặc biệt, năm 2023, Hội CCB xã đã triển khai mô hình 5+1, ý định ban đầu là 5 hội viên khá, giàu giúp 1 hội viên nghèo. Thế nhưng toàn xã có 315 hội viên thì chỉ còn 1 hội viên nghèo ở thôn Esa Nô, nên hội vận động Chi hội CCB thôn Esa Nô huy động tất cả hội viên cùng giúp CCB Nhót.
“Không chỉ trở thành điểm tựa chắc chắn cho hội viên trong xóa nghèo, làm giàu, các cấp hội còn góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương với quyết tâm không còn hội viên CCB nghèo”, ông Đoán cho hay.
Nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế
Không riêng Hội CCB xã Đắk D'rô, thời gian qua, hội CCB các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Krông Nô đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay nhằm đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Trong đó, Hội CCB xã Nâm Nung vận động hội viên tham gia góp Quỹ Nghĩa tình đồng đội, với tổng số tiền 490 triệu đồng giúp cho 22 hội viên vay đầu tư sản xuất. Hội CCB xã Nam Đà xây dựng quỹ hội được 650 triệu đồng cho hội viên vay. Hội CCB xã Nam Xuân xây dựng 2 mô hình 5+1 hỗ trợ hội viên nghèo chăn nuôi bò, chăm sóc cà phê…
Theo ông Đặng Văn Lẫn, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Nô, thông qua phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu, sản xuất đa canh quy mô lớn... để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Một số hộ hội viên sản xuất kinh doanh giỏi đại diện cho người sản xuất ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng như cánh đồng mẫu lớn trồng lúa nước tại xã Buôn Choáh, sầu riêng ở xã Nam Xuân, cao su ở Nâm Nung, chanh dây, hồ tiêu, trồng rừng xã Quảng Phú...
Bên cạnh đó, hội đã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân cho 2.147 hộ vay vốn, quản lý 53 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ là 138 tỷ đồng, trong đó có 733 hội viên CCB vay vốn.
Các cấp hội CCB huyện Krông Nô vận động hội viên đóng góp xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội được 3,9 tỷ đồng giúp nhau đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi. Toàn hội xây dựng được 10 mô hình giúp nhau vay vốn không lấy lãi, hỗ trợ cây, con giống các loại, ngày công...
Ngoài ra, từ nhiều nguồn huy động khác nhau, từ 5 năm qua, các cấp hội CCB huyện Krông Nô đã hỗ trợ xây dựng được 16 căn nhà cho hội viên CCB nghèo. “Với những cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp, các cấp hội CCB đã góp phần tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” giữa thời bình, luôn đoàn kết, nhân ái, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống bằng nghĩa, bằng tình. Cũng từ sự hỗ trợ, động viên kịp thời, hội viên CCB nghèo trong huyện đã có điểm tựa để tiếp tục cố gắng hơn trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, toàn hội có 2.285 hội viên thì chỉ còn 22 hội viên nghèo”, ông Lẫn thông tin thêm.