Giúp hội viên "chiếc cần câu”
Đầu năm 2022, CCB Đinh Thị Thơi ở Chi hội CCB thôn 5, xã Trúc Sơn vừa được tặng một con bê làm sinh kế. Năm nay, bà Thơi đã gần 70 tuổi, nhưng bao nhiêu vất vả, cơ cực vẫn mãi đeo bám. Bà có một người con trai thì không may bệnh nặng, mất khả năng lao động. Nhiều năm nay, con trai và một đứa cháu đều một mình bà chăm sóc, nuôi nấng. Cả gia đình chỉ 2 sào ruộng lúa và 1 sào điều, nên cố gắng lắm cũng chỉ đủ cơm ăn qua ngày.
Xét thấy hoàn cảnh bà Thơi đặc biệt khó khăn, Hội CCB xã Trúc Sơn đã tổ chức các cuộc họp hội viên, lấy ý kiến đóng góp về hỗ trợ sinh kế cho hội viên nghèo. Sau đó, cán bộ, hội viên đi đến thống nhất hỗ trợ bà Thơi con bê để phát triển chăn nuôi. Bà Thơi cho biết: “Nghe tin được tặng con bê về nuôi, tôi mừng lắm, như được tiếp thêm nguồn sống từ tình cảm, sẻ chia của đồng chí, đồng đội. Dù mới một thời gian ngắn, nhưng con bê nay phát triển rất tốt. Tôi cũng chỉ mong chăn nuôi thuận lợi rồi sau này từ một con bê sẽ có nhiều con bê khác để thoát khỏi cái nghèo”.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Trúc Sơn, thay vì tặng quà, sổ tiết kiệm, Hội chọn phương án giúp hội viên "chiếc cần câu” để có thể phát huy nội lực, trách nhiệm vươn lên trong phát triển kinh tế. Việc huy động hội viên ban đầu cũng có người đồng ý, người còn đắn đo, suy nghĩ, nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nên dần dần tất cả đều thống nhất. Sau khi bàn họp, Hội thống nhất phương án người đứng đầu làm trước với mức đóng góp từ 200.000-500.000 đồng/người tùy theo chức danh cụ thể; còn hội viên thuộc chi hội có người được hỗ trợ tối thiểu 100.000 đồng, còn hội viên khác 50.000 đồng.
Cán bộ Hội CCB xã Trúc Sơn thăm hỏi tình hình chăn nuôi của bà Thơi |
Cũng đáng mừng, trong quá trình triển khai, kêu gọi nhiều hội viên, nhà hảo tâm dù không sinh hoạt ở địa phương nhưng vẫn hỗ trợ thêm để việc mua con giống bảo đảm hơn. Với số tiền 10 triệu đồng, do bà Thơi tuổi cao, sức khỏe yếu nên Hội đã bàn bạc cùng gia đình ủy quyền cho Hội đi mua con giống giúp bà Thơi.
Ông Hải cho biết: “Số tiền không nhiều, nên khi liên hệ được nơi bán con giống bảo đảm, chúng tôi thông qua hoàn cảnh của bà Thơi và được họ giảm bớt một phần. Nhờ đó, con bê rất khỏe mạnh, ăn uống, sinh trưởng tốt. Chúng tôi cũng phân công chi hội trưởng trực tiếp thường xuyên xuống kiểm tra, giám sát để xem gia đình chăn nuôi thế nào, có khó khăn gì không để kịp thời giúp đỡ”.
Ông Đinh Văn Ngọc, Chi hội trưởng CCB thôn 5 cho hay: “Mỗi ngày, tôi đều xuống thăm hỏi tình hình chăn nuôi của gia đình để kịp thời có sự phối hợp giúp đỡ. Là người đứng đầu của chi hội, tôi chỉ mong chăn nuôi thuận lợi để hội viên có được ngày vui”.
Nhiều cách làm hay
Theo ông Dương Kim Vỵ, Chủ tịch Hội CCB huyện Cư Jút, học và làm theo Bác, Hội CCB huyện thường xuyên kêu gọi hội viên phát huy truyền thống đoàn kết, sẻ chia, tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Tùy vào thực tế, mỗi tổ chức hội đều lựa chọn các hình thức giúp đỡ hội viên thiết thực, hiệu quả, trong đó ưu tiên hội viên cao tuổi, đặc biệt khó khăn trước. Vì vậy, các đơn vị cơ sở xây dựng được nhiều cách làm hay nhằm đồng hành cùng hội viên nghèo.
Điển hình, Hội CCB xã Trúc Sơn, ngoài hỗ trợ bò, còn xây dựng mô hình “1+4”, có nghĩa là 1 hội viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động 4 hộ dân xung quanh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chia sẻ với bà con về kinh nghiệm phát triển kinh tế…
Hội CCB xã Cư K’nia kêu gọi hội viên đóng góp tặng sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo. Hội CCB xã Đắk D'rông duy trì mô hình tặng bò cho hội viên nghèo và đến nay trao tặng được 11 con…
Với những nỗ lực đó, đến nay, toàn hội chỉ còn 34 hội viên CCB nghèo (chiếm 1,1%), cận nghèo 45 hộ (chiếm 1,5%). Hội viên thu nhập từ 100- 300 triệu đồng là 936 người; từ 50 đến dưới 100 triệu đồng là 1.309 hộ; dưới 50 triệu đồng là 912 hộ...