Cưỡng hiếp trở thành vũ khí trong cuộc chiến tranh ở Sudan

Thành Nguyên (Vietnam+)| 28/08/2023 14:39

Mặc dù ban đầu chỉ xảy ra rải rác, nhỏ giọt, nhưng dần dần báo cáo về các vụ cưỡng hiếp, tấn công tình dục xuất hiện ngày càng nhiều, lan nhanh như một cơn lũ.

Cuong hiep tro thanh vu khi trong cuoc chien tranh o Sudan hinh anh 1Những người phụ nữ sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan, ngày 19/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nỗi sợ hãi đang bao trùm khắp đất nước Sudan, nơi đã chìm trong giao tranh kể từ ngày 15/4 năm nay.

Một bên là các tay súng của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một nhóm bán quân sự đã tăng thêm quyền lực trong vài thập kỷ trở lại đây. Ở phía bên kia là Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF). SAF và RSF từng là đồng minh thân cận, nhưng nay lại tàn sát nhau trong một cuộc chiến sinh tồn khốc liệt.

Bị mắc kẹt ở giữa hai làn đạn là hàng triệu người Sudan - đặc biệt là phụ nữ.

Những nạn nhân sống sót sau khi bị cưỡng hiếp và gia đình của họ phải đối mặt với vô vàn thách thức. Không chỉ bị "mắc kẹt" về mặt cảm xúc với những vết sẹo tinh thần và thể xác, họ còn bị mắc kẹt theo nghĩa đen, giữa đống đổ nát do cuộc chiến để lại.

Mohamed Salah, một thành viên của Emergency Lawyers - một tổ chức hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực tình dục, cho biết RSF đã giành quyền kiểm soát một số khu vực thành thị và đang nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động, khiến nhiều người dân phải bỏ nhà đi lánh nạn.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người bám trụ lại nhà của họ, có thể vì không muốn hoặc không thể rời đi.

Câu chuyện của nạn nhân

Giống như nhiều người khác, ban đầu, nữ kiến trúc sư Husna chưa có ý định di tản mà vẫn ở lại nhà tại thành phố Khartoum North. Đến khi cô muốn ra đi thì tình hình bên ngoài đã trở nên quá nguy hiểm. Lực lượng RSF đã kiểm soát hoàn toàn khu vực lân cận nơi cô đang sống.

“Tôi mới chỉ kết hôn được vài tháng trước khi chiến sự nổ ra," Husna chia sẻ. Hầu hết các thành viên trong gia đình đã rời khỏi Khartoum North, thế nhưng chồng cô vẫn đang mắc kẹt ở Omdurman, một khu vực giáp ranh với thủ đô. Vì vậy, cô đã quyết định ở lại, hy vọng có thể đoàn tụ với anh.

Husna cho biết các tay súng RSF mặc thường phục giống như người dân bình thường, nhưng không khó để đoán được danh tính dựa trên cách hành xử của những kẻ này.

"Chúng bắt giữ một nhóm các cô gái trẻ tới từ Nam Sudan đang sống ở một tòa nhà kế cận. Nhưng chỉ huy nhóm lính không để tôi ở chung với các cô gái đó. Hắn cứ gọi tôi là em. “Em gái của tôi, em là một cô gái Arab, em sẽ an toàn,” cô kể.

Cô cho biết thêm: "Nhưng rồi sau đó hắn đột ngột thay đổi thái độ, cho rằng tôi nói dối. Hắn nói rằng tôi không phải người bản địa và thậm chí bắt đầu chất vấn xem tôi thực sự là ai. Mặt khác, hắn cảnh cáo các tay súng dưới quyền giữ khoảng cách với tôi, nói rằng tôi là đồng hương với chúng."

Các tay súng dẫn Husna và nhóm cô gái Nam Sudan tới một tòa nhà khác. Đây là nơi em gái của Husna từng sinh sống.

Nhóm Nam Sudan được đưa đến một căn hộ, và tên chỉ huy yêu cầu Husna dẫn hắn về căn hộ của em cô.

“Tôi chỉ có một yêu cầu thôi,” tên chỉ huy nói với Husna nói. “Nếu em đồng ý thì tốt, không thì cũng không sao."

Nói xong, hắn chĩa súng về phía Husna. "Tôi muốn ngủ với em. Tôi đã yêu cầu, và bây giờ em sẽ phải làm điều đó. Giờ thì, phòng ngủ ở đâu?"

Husna kể lại rằng cô đã cầu xin tên chỉ huy trả tự do cho mình. "Không phải anh gọi tôi là em gái sao? Anh có đối xử với em gái của mình như vậy không?" cô nói.

Một tay súng dưới quyền sau đó bước vào căn hộ và nói rằng tất cả các cô gái Nam Sudan đều đang la hét và chúng không biết phải làm gì.

“Bảo chúng câm miệng và cút ra ngoài,” tên chỉ huy nói. “Không ai được vào đây cả.”

Khi đó, Husna biết rằng ít nhất cô sẽ không bị cưỡng hiếp tập thể, bởi chỉ có tên chỉ huy làm điều đó với cô. “Tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi cầm chuỗi tràng hạt cầu nguyện và cứ tiếp tục cầu nguyện," cô kể.

Khi nhóm lính RSF rời đi, Husna chạy ngay tới nhà một người bạn sống gần đó.

"Tôi không thể ngừng khóc. Tôi kể cho cô ấy nghe những gì đã xảy ra. Cô ấy vội đưa tôi vào phòng tắm, dùng nước muối gột rửa tôi. Cô ấy bọc quần áo của tôi vào túi ni lông, đưa cho 1 viên Panadol giảm đau rồi tắm cho tôi lần nữa," cô kể.

Cuong hiep tro thanh vu khi trong cuoc chien tranh o Sudan hinh anh 2Lực lượng bán quân sự Sudan RSF ở khu vực Gouz Abudloaa, gần thủ đô Khartoum. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một người bạn khác đã giúp Husna có một bộ dụng cụ xét nghiệm hiếp dâm. Đơn vị Chống Bạo lực đối nhằm vào Phụ nữ (CVAW) của Chính phủ Sudan thì giúp mua thuốc tránh thai khẩn cấp cho cô.

"Tôi không thể ngừng nghĩ về những gì đã xảy ra. Ký ức đầy ám ảnh đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu. Tôi không thể chịu được việc phải ở một mình. Tôi cần ai đó ở bên mình, để cảm thấy an toàn," Husna chia sẻ.

"Chồng là chỗ dựa tinh thần của tôi. Anh ấy đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi đã kể hết mọi chuyện với anh ấy... Anh ấy an ủi và nói rằng đó không phải lỗi của tôi, rằng tôi mạnh mẽ vượt qua. Cả hai chúng tôi sẽ vững bước vượt qua cùng nhau."

Những báo cáo đầu tiên về các vụ cưỡng hiếp chủ yếu liên quan đến những phụ nữ được coi là "ngoại quốc," hay nói cách khác là không phải dân bản địa.

Nhiều người chia sẻ với nhau câu chuyện về một phụ nữ nước ngoài sống tại khu thượng lưu đã bị cưỡng hiếp ở nhà riêng.

Ban đầu có tin đồn rằng RSF sẽ không làm hại đến dân Sudan. Người ta lan truyền câu chuyện rằng khi lục soát một ngôi nhà nọ, một nhóm tay súng RSF đã tha cho một người phụ nữ Sudan và chỉ báo cáo lại có một người "Habashiyat" ở trong đó.

"Habashiyat" (hoặc "Habash" dành cho nam giới) là một thuật ngữ mang tính miệt thị, được người Sudan dùng để chỉ người Ethiopia và người Eritrea.

Nhưng tin đồn về sự “tử tế” này nhanh chóng biến mất. Thay vào đó, xuất hiện hàng loạt các báo cáo vệ việc phụ nữ và trẻ em gái Sudan bị cưỡng hiếp.

Nhiều nhà hoạt động tin rằng số vụ được ghi nhận chính thức chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có khả năng còn nhiều trường hợp chưa được báo cáo.

Cho đến thời điểm bài viết được đăng tải, Sudan đã ghi nhận chính thức hơn 50 vụ cưỡng hiếp trên toàn quốc.

Các nạn nhân khá đa dạng, gồm trẻ vị thành niên, phụ nữ tị nạn đến từ Ethiopia và Nam Sudan, phụ nữ trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai và cả những người di tản từ Khartoum.

Cưỡng hiếp trở thành vũ khí

Cưỡng hiếp là một vấn đề nhức nhối trong thời chiến. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã gọi cưỡng hiếp là “tội ác cổ xưa nhất, bị che đậy nhiều nhất và ít bị lên án nhất trong chiến tranh.”

Bất kể là ở đâu hay do dân tộc nào gây ra, dù là mệnh lệnh của cấp trên hay hành vi tự phát của binh lính cấp dưới, cưỡng hiếp luôn là hành vi đáng lên án.

Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy con số đáng báo động về số lượng các vụ cưỡng hiếp xảy ra trong và sau một cuộc xung đột, đồng thời nhấn mạnh còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc thu thập số liệu thống kê chính xác.

Ví dụ, trong cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994, Liên Hợp Quốc ước tính rằng số lượng phụ nữ và trẻ em gái bị cưỡng hiếp rơi vào khoảng từ 250.000 đến 500.000 nạn nhân. Còn tại Cộng hòa Dân chủ Congo, kể từ năm 1996 đến nay đã xảy ra ít nhất 200.000 vụ cưỡng hiếp.

Tuy nhiên, những con số này chỉ là ước tính. Không có con số chính xác và con số thực tế hoàn toàn có thể cao hơn, hoặc thấp hơn.

Theo nhiều nhà hoạt động chống bạo lực nhằm vào phụ nữ, ở Sudan đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng "vũ khí hóa" bạo lực tình dục.

Hilina Berhanu Degefa, một chuyên gia về quyền phụ nữ và bình đẳng giới từ Ethiopia, cho biết nếu xét tới bản chất tự nhiên của một cuộc xung đột quân sự, sẽ ít có đạo quân nào đề cao yếu tố đạo đức.

Theo Degefa, có nhiều lý do chính khiến đàn ông tham gia một cuộc chiến thực hiện hành vi hiếp dâm. Đầu tiên là cảm giác tự hào vì có quyền được làm tổn thương người khác. Thứ hai là do bị đồng đội xúi giục thực hiện hành vi này. Thứ ba là niềm tin cho rằng cưỡng hiếp có thể làm suy giảm nhuệ khí và sỉ nhục kẻ thù.

Z* là một nhà nghiên cứu về vấn đề nhân quyền Sudan và cũng từng hỗ trợ những nạn nhân bị cưỡng hiếp. Cô kể rằng một nạn nhân, người sống ở khu phố Haj Yousif tại thành phố Khartoum East, đã kể cho cô về “những tiếng la hét của phụ nữ và trẻ em gái trong tòa nhà của cô,” xuất hiện khi binh lính RSF tấn công tòa nhà.

Theo Z, người phụ nữ này là một bà mẹ đơn thân ngoài 30 tuổi, đã ly hôn và đang sống cùng các con trên tầng ba của tòa nhà. Biết rằng các phụ nữ sống ở tầng dưới đang bị hiếp dâm, cô đã khóa cửa nhà với hy vọng nhóm lính tấn công sẽ tưởng rằng không có ai ở bên trong.

Tuy nhiên nhóm lính đã chia nhỏ ra, phá cửa lục soát mọi căn hộ, và đã tóm được nạn nhân trong phòng ngủ của cô.

Biết rằng mình sẽ không thể nào thoát khỏi cảnh bị cưỡng hiếp, cô đã nói với một tay súng RSF: "Xin anh, nếu định hiếp tôi thì hãy đóng cửa lại. Đừng để những người khác nhìn thấy cảnh này." Lúc đó, cô chỉ đang cố tìm mọi cách để tránh mình không bị cưỡng hiếp tập thể.

Z cho biết những gì nêu trên là các thông tin duy nhất mà nạn nhân sẵn sàng chia sẻ. Sự việc này xảy ra trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột, nhưng cô không cho biết cụ thể khi nào.

Theo Salah, hầu hết các vụ cưỡng hiếp và bạo lực tình dục đều do lính RSF thực hiện. Chúng thường dùng vũ khí để đe dọa nạn nhân và luôn hành động theo nhóm.

Salah chia sẻ rằng Emergency Lawyers được nạn nhân gửi một video cho thấy cảnh một nhóm lính bắn súng chỉ thiên, sau đó vài thành viên đứng cảnh giới để những tên lính còn lại cưỡng hiếp một nhóm phụ nữ.

Không loại trừ khả năng lính ở phe SAF cũng thực hiện hành vi này. "Cả hai bên đều đang sử dụng cưỡng hiếp như một thứ vũ khí chiến tranh. Những gì chúng ta biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi," Z chia sẻ.

Cơ thể phụ nữ biến thành chiến trường

Trong văn hóa Sudan, phụ nữ còn được gọi với cái tên Kandaka, theo một tước vị từ thời cổ đại là "Kandake."

Kandake là cái tên dành cho các nữ vương trong thời Vương quốc Kush. Amanirenas, một trong những Kandake vĩ đại nhất lịch sử Sudan, đã lãnh đạo cuộc chiến chống quân La Mã vào khoảng năm 26 trước Công nguyên.

Năm 2018, nhiều phụ nữ Sudan đã đi đầu trong các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Omar al-Bashir. Quyết tâm mãnh liệt của họ khiến công chúng ngưỡng mộ. Người dân thậm chí còn gọi họ là các Kandaka thời hiện đại.

Cuong hiep tro thanh vu khi trong cuoc chien tranh o Sudan hinh anh 3Những người phụ nữ sơ tán tránh xung đột tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 24/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phụ nữ đóng vai trò chủ gia đình tại hơn một nửa số hộ gia đình ở Sudan. Nguyên nhân là bởi người chồng thường ra nước ngoài làm việc, hoặc gia đình gặp các tai họa như người chồng chết, mất tích do xung đột.

Nhưng dù là trụ cột gia đình, phụ nữ Sudan vẫn phải chịu áp lực tuân theo một số chuẩn mực nhất định mà xã hội kỳ vọng họ đạt được. Xuất phát từ định kiến về giới, những chuẩn mực này ràng buộc người phụ nữ phải tuân theo một số khuôn mẫu hoặc giá trị truyền thống như sự trong trắng.

Z cho rằng rằng cơ thể của người phụ nữ đã trở thành một dạng “chiến lợi phẩm” trong chiến tranh. Z cũng nói rằng định kiến xã hội đã ngăn cản nhiều nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ, từ đó gây ra chấn thương tâm lý cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Degefa chia sẻ rằng "giá trị tình dục” của một người phụ nữ Sudan phụ thuộc vào mức độ "trong trắng" của họ. Đàn ông trong quân đội sử dụng bạo lực tình dục như một thứ vũ khí để củng cố các định kiến cố hữu về giới, “vốn đặt phụ nữ thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo ở dưới đáy của xã hội."

Theo Mohammed Abubaker, một bác sỹ và người sáng lập tổ chức từ thiện Fill-A-Heart, bạo lực tình dục là một quân bài chiến lược được RSF sử dụng trong 20 năm qua.

"Đây là một chiến lược mà RSF đã dùng kể từ khi thành lập. Mục tiêu là bẻ gãy ý chí quyết tâm và sự phản kháng của người dân," Abubaker nhận định và cho rằng chiến lược này không hiệu quả với SAF.

Hiba Sharief, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm Toàn cầu tại Chương trình xử lý Khủng hoảng Sudan, thậm chí cáo buộc các chiến binh RSF được huấn luyện để coi cưỡng hiếp là “việc phải làm.”

Cô mô tả các tay súng RSF là lính đánh thuê được trả tiền để hủy diệt và tàn phá các quốc gia.

Z cho biết một vấn đề thường được nhiều nhân viên y tế đề cập tới là những định kiến và dị nghị của xã hội đối với hành vi bạo lực tình dục nhằm vào phụ nữ. Trong một số trường hợp, nạn nhân của bạo lực tình dục không muốn đến bệnh viện vì lo lắng sẽ phải chịu định kiến xã hội.

Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi đang xuất hiện.

Z cho biết mạng xã hội đang có không ít những trường hợp là nam giới lên tiếng phải đối các vụ tấn công tình dục nhằm vào người thân. Họ cũng đề nghị giúp đỡ và hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực tình dục vượt qua khó khăn.

Quay trở lại câu chuyện của Husna, cô chia sẻ rằng bốn ngày sau khi bị cưỡng hiếp, cô đã có kinh trở lại. Điều này mang lại chút cảm giác nhẹ nhõm cho cô.

Husna vẫn đang chờ được ngày đoàn tụ với chồng. Sau đó, cả hai sẽ lên đường đến một thành phố khác ở Sudan và làm lại từ đầu.

“Tôi vẫn ổn. Chồng đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Điều đó đã thực sự giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi sẽ đoàn tụ với nhau khi anh ấy thoát khỏi Khartoum,” cô chia sẻ.

Thành Nguyên (Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/cuong-hiep-tro-thanh-vu-khi-trong-cuoc-chien-tranh-o-sudan/891168.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/cuong-hiep-tro-thanh-vu-khi-trong-cuoc-chien-tranh-o-sudan/891168.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cưỡng hiếp trở thành vũ khí trong cuộc chiến tranh ở Sudan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO