Cưỡng chế thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật
Việc quyết liệt triển khai cưỡng chế, thu hồi diện tích rừng dọc quốc lộ 28 thể hiện quyết tâm chính trị của huyện Đắk Glong nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung trong việc lập lại trật tự trong quản lý, bảo vệ rừng.
Quy trình chặt chẽ
Tháng 5/2018, qua thanh tra, Sở NN&PTNT Đắk Nông phát hiện nhiều vi phạm trong triển khai Dự án quản lý kinh doanh và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ (Công ty Nguyên Vũ). Sau khi Sở NN&PTNT tham mưu, tháng 12/2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định thu hồi toàn bộ 162,88 ha đất, rừng của Công ty Nguyên Vũ, giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Công ty Quảng Sơn) quản lý, bảo vệ. Trong diện tích giao về, có 35,41 ha đất đã bị người dân lấn chiếm trái phép.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp, qua rà soát, có 133 hộ dân đang lấn chiếm 35,41 ha. Chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính các trường hợp này để triển khai thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm trái phép.
Quá trình cơ quan chức năng lập biên bản, có nhiều trường hợp vắng chủ. Nhiều trường hợp tự nguyện di dời tài sản để trả lại diện tích vi phạm. Tổng cộng, có 35 trường hợp đã tự nguyện trả lại 7,2 ha đất lấn chiếm. Trong số này, có nhiều trường hợp là người già, người nghèo.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, chính quyền đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp lấn chiếm. Tiếp sau đó, chính quyền tiếp tục ban hành quyết định yêu cầu khắc phục hậu quả. Do các trường hợp lấn chiếm đất không chấp hành nên chính quyền ban hành các quyết định cưỡng chế theo quy định.
Trong tháng 3 và đầu tháng 6/2022, đoàn cưỡng chế của UBND huyện Đắk Glong đã triển khai 2 đợt cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất trong khu vực 35,41 ha. Riêng trong đợt thứ 2, đoàn cưỡng chế đã tháo dỡ rất nhiều nhà cửa, tài sản tạo lập trái phép trên đất rừng. Tất cả các trường hợp vi phạm đều được xử lý theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương, trước khi tiến hành cưỡng chế, chính quyền đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để gửi cho người vi phạm. Chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành và tổ chức nhiều đợt đối thoại.
“Tại các buổi đối thoại, không có trường hợp nào cung cấp được bất kỳ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất tại khu vực mình làm nhà, trồng cây. Một số ý kiến cho rằng người dân nhận chuyển nhượng lại của Công ty Nguyên Vũ hoặc các đối tượng khác. Tuy nhiên, những giao dịch này là trái quy định, người dân phải xử lý bằng các quy định pháp lý về dân sự”, ông Phương cho hay.
Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định, hồ sơ pháp lý 2 đợt cưỡng chế vừa qua của UBND huyện Đắk Glong là đúng pháp luật. Trước khi tổ chức cưỡng chế, Công an tỉnh Đắk Nông đã rà soát chặt chẽ và hướng dẫn UBND huyện Đắk Glong bổ sung đầy đủ. Việc cưỡng chế đã được xin ý kiến của cơ quan cấp trên.
Cưỡng chế để trồng rừng
Qua nhiều lần đối thoại, hầu hết các trường hợp vi phạm trong khu vực 35,41 ha đều thừa nhận sai. Bà Nguyễn Thị Duyến, một trong những trường hợp bị cưỡng chế, trần tình: Do không thấy biển báo, biển cấm nên chúng tôi không biết đất này là đất rừng, do ai quản lý… Chúng tôi mua rồi xây dựng nhà cửa, trồng cây trên đó. Chúng tôi biết là sai nhưng cái sai này là do nhiều nguyên nhân. Chúng tôi mong Nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi mua lại diện tích đó để chúng tôi có nơi an cư.
Một trường hợp vi phạm khác là bà Hà Thị Huân, cư trú tại bon R’bút, xã Quảng Sơn thì mong muốn được ở ổn định tại nơi vi phạm và cùng Nhà nước trồng rừng. “Nhiều hộ dân như chúng tôi rất mong được Nhà nước bán lại diện tích này với giá phù hợp để có thể ổn định cuộc sống. Nếu Nhà nước quyết tâm thu hồi thì chúng tôi xin được cùng tham gia trồng rừng theo hình thức nông lâm kết hợp”, bà Huân bày tỏ.
Theo ông Lê Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, diện tích vi phạm nằm trong diện tích trước đây được UBND tỉnh giao cho Công ty Quảng Sơn quản lý. Đây là đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng. Việc người dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa và tạo lập tài sản trên diện tích này là trái luật, phải thu hồi.
Về kiến nghị của người dân được kết hợp trồng lại rừng, Sở TN&MT đã giải thích rất rõ. Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Ngô Chí Trung, xuyên suốt từ trước tới nay, đây là đất rừng. Bà con hiểu nhầm rằng thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp. Nhưng diện tích này được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty Quảng Sơn - đại diện cho cơ quan Nhà nước - quản lý, phục hồi lại rừng.
Ông Trung phân tích: Diện tích này chưa bàn giao về cho địa phương nên không thể triển khai hình thức nông lâm kết hợp. Khu vực này quy hoạch đất rừng nên không thể xây dựng nhà cửa và trồng các loại cây khác ngoài cây rừng. Vậy nên, nguyện vọng của người dân được mua lại đất, xây dựng nhà ở trên diện tích này không thể được giải quyết.
Quan tâm an sinh xã hội
Một vấn đề được nhiều người dân khu vực bị cưỡng chế quan tâm là chính sách an sinh xã hội. Bà Hà Thị Huân cư trú tại bon R’bút bày tỏ: Trong số đối tượng bị cưỡng chế có nhiều trường hợp là hộ nghèo, gia đình chính sách…
Sau khi bị cưỡng chế, nhiều người sẽ không có nơi ở. Tại sao chính quyền lại thu hồi trắng mà không đền bù gì cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ được hưởng chính sách gì sau khi bị thu hồi.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương, người dân nên hiểu và bóc tách 2 vấn đề khác nhau, đó là: vi phạm pháp luật và chính sách an sinh xã hội. Tất cả những trường hợp lấn chiếm đất rừng trái phép đều được UBND huyện Đắk Glong dùng chung từ “đối tượng”.
Các đối tượng vi phạm thì hình thức xử lý như nhau. Tất cả tài sản tạo lập trái phép trên khu vực vi phạm mà người dân không tự nguyện tháo dỡ, di dời thì bị cưỡng chế mà không có bất kỳ đền bù gì cả. Sau cưỡng chế, địa phương sẽ trồng và phục hồi lại rừng. Các trường hợp tái lấn chiếm sẽ được chuyển sang cơ quan CSĐT để xử lý trách nhiệm hình sự.
Về vấn đề an sinh xã hội, ông Phương khẳng định huyện, tỉnh đặc biệt quan tâm. Ông Phương cho hay: Trước, trong và sau quá trình cưỡng chế, chúng tôi đã và đang rà soát từng trường hợp cụ thể. Những hộ không có chỗ ở nào khác đã được thuê nhà trọ và hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian 3 tháng. Các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, chính quyền địa phương sẽ rà soát và hỗ trợ các trường hợp nếu đủ điều kiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên khẳng định, chính quyền rất quan tâm đến đời sống của người dân. Tất cả các trường hợp đủ điều kiện sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Và đương nhiên, các trường hợp vi phạm pháp luật đều bị xử lý công khai, minh bạch để bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật.
Sau đợt cưỡng chế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên yêu cầu huyện Đắk Glong tổ chức đối thoại với người dân. Tất cả kiến nghị của người dân cần phải được ghi nhận, tổng hợp để có căn cứ giải quyết.
Ông Lê Trọng Yên chia sẻ: Bà con nên bình tĩnh, không nên nghe các đối tượng xấu xúi giục, kích động. Chính quyền rất mong bà con tham gia vai trò giám sát của mình. Khi phát hiện vi phạm pháp luật hoặc vụ việc nào thiếu công bằng, bà con hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cá nhân đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi bảo đảm những phản ánh của người dân sẽ được kiểm tra, xử lý.