Cuộc xung đột ở Sudan khiến các nước láng giềng náo loạn

Khánh Linh| 28/04/2023 05:06

Cuộc xung đột ở Sudan đang khiến nhiều nước láng giềng lo ngại vì không ít lý do, từ việc chung nguồn nước sông Nile, chung đường ống dẫn dầu cho đến việc 1 cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hình thành.

Cuoc xung dot o Sudan khien cac nuoc lang gieng nao loan hinh anh 1Binh sỹ Saudi Arabia bế em bé Sudan sơ tán tránh xung đột, tại căn cứ hải quân ở Jeddah, ngày 26/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sudan, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, không xa lạ gì với xung đột. Nhưng lần này, thay vì xảy ra ở một vùng xa xôi, giao tranh lại đang xé nát thủ đô Khartoum của Sudan.

Cuộc giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tại Khartoum vào giữa tháng 4 năm nay đã làm hỏng kế hoạch chuyển đổi sang chế độ dân sự được quốc tế ủng hộ, sau khi Cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị truất quyền vào năm 2019.

Cuộc xung đột đã chứng kiến màn đối đầu giữa Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu hội đồng cầm quyền của Sudan, đồng thời là chỉ huy quân đội, và Mohamed Hamdan Dagalo, người còn được biết đến với cái tên Hemedti, là cấp phó của Burhan trong hội đồng, nay lãnh đạo RSF.

Chiến sự ở Sudan chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều quốc gia ở xung quanh. 5 trong số 7 nước láng giềng của Sudan, gồm Ethiopia, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Libya và Nam Sudan, cũng không phải chốn yên bình và đã phải đối mặt với những biến động hoặc xung đột chính trị trong vài năm gần đây.

Ai Cập

Lịch sử của Ai Cập - quốc gia Arab đông dân nhất - và Sudan đan xen với nhau bởi các yếu tố chính trị, thương mại, văn hóa và việc hai bên dùng chung nguồn nước sông Nile.

Ai Cập đã lo lắng về biến động chính trị ở phương Nam kể từ cuộc nổi dậy hồi năm 2019 dẫn đến việc loại bỏ al-Bashir.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, người cũng nhậm chức trong một cuộc thâu tóm quyền lực quân sự, có quan hệ thân thiết với al-Burhan.

Người Sudan cho đến nay là cộng đồng nước ngoài lớn nhất ở Ai Cập, với số lượng ước tính khoảng 4 triệu người, trong đó có khoảng 60.000 người tị nạn và đang xin quy chế tị nạn.

Vì Ai Cập và Sudan đều dựa vào sông Nile để lấy nước ngọt, cả hai đang lo ngại về các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nước từ Đập Grand Ethiopian Renaissance ở thượng nguồn sông Nile Xanh.

Hai quốc gia đã nỗ lực cùng nhau điều chỉnh hoạt động của đập nước trên, thuộc sở hữu của Ethiopia. Vì thế, bất kỳ căng thẳng nào trong quan hệ giữa Khartoum và Cairo đều có thể làm gián đoạn nỗ lực chung nhằm đạt được một thỏa thuận liên quan đến vấn đề này.

Libya

Lính đánh thuê và cả các tay súng dân quân từ Sudan hoạt động tích cực ở cả hai phía của cuộc xung đột đã chia cắt Libya sau năm 2011.

Trong những năm gần đây, nhiều tay súng đã quay trở lại Sudan, góp phần gây căng thẳng ở khu vực Darfur phía Tây đất nước này, nơi một cuộc xung đột khác đã nổ ra trong nhiều năm và giao tranh vẫn tiếp tục dù vài nhóm phiến quân ở đây đã đạt được thỏa thuận với nhau hồi năm 2020.

Sudan cũng là một điểm khởi hành, đồng thời là tuyến quá cảnh cho những người xin tị nạn đến châu u qua ngả Libya, nơi những kẻ buôn người đã lợi dụng xung đột và bất ổn chính trị để kiếm chác.

Chad

Chad - nước láng giềng phía Tây của Sudan - nơi tiếp nhận khoảng 400.000 người Sudan sơ tán khỏi các cuộc xung đột trước đó - đã chứng kiến sự đổ bộ của thêm khoảng 20.000 người tị nạn nữa từ Sudan kể từ khi cuộc giao tranh mới nhất bắt đầu.

Chad lo lắng về khả năng một cuộc khủng hoảng mới sẽ tràn qua biên giới đến những khu vực có người tị nạn sinh sống.

Hầu hết người tị nạn đến từ Darfur, và trong cuộc xung đột ở Darfur, Chad phải đối mặt với các cuộc tấn công xuyên biên giới được thực hiện bởi dân quân Arab của Sudan, từng có tên gọi Janjaweed, nay đã biến thành RSF. Những tay súng này tấn công người tị nạn Darfur và cả thường dân Chad, tịch thu gia súc và giết chết những ai kháng cự chúng.

Chad cũng lo lắng về khả năng có sự hiện diện của lính đánh thuê thuộc Tập đoàn đánh thuê Wagner ở Sudan. Tuy nhiên Wagner đã phủ nhận thông tin, khẳng định công ty không có bất kỳ hoạt động nào ở Sudan.

Các quốc gia Arab ở vùng Vịnh

Các nhà sản xuất dầu mỏ giàu có, gồm Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), từ lâu đã tìm cách định hình những sự kiện diễn ra ở Sudan, coi quá trình chuyển đổi rời khỏi chế độ cai trị của al-Bashir là một cách để giảm bớt ảnh hưởng của Hồi giáo và tạo sự ổn định trong khu vực.

Cuoc xung dot o Sudan khien cac nuoc lang gieng nao loan hinh anh 2Người dân sơ tán tránh xung đột gần sân bay ở Omdurman, Sudan, ngày 26/4/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nhà đầu tư từ cả hai nước đã bỏ khá nhiều tiền của vào một loạt dự án khác nhau ở Sudan, từ việc mở công ty nông nghiệp, tới việc lập một hãng hàng không và hình thành các cảng chiến lược trên bờ Biển Đỏ.

Nam Sudan

Nam Sudan - quốc gia đã tách khỏi Sudan vào năm 2011 sau cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ - hiện xuất khẩu 170.000 thùng dầu mỗi ngày, thông qua một hệ thống ống dẫn chạy qua nước láng giềng phía Bắc.

Các nhà phân tích nói rằng không bên nào trong cuộc xung đột ở Sudan có lợi ích trong việc làm gián đoạn các dòng chảy dầu khí.

Nhưng chính phủ Nam Sudan cho biết giao tranh đã gây ảnh hưởng xấu tới các mắt xích vận chuyển và hậu cần nằm giữa những mỏ dầu và Cảng Sudan.

Khoảng 800.000 người tị nạn Nam Sudan cũng đang sống ở Sudan. Việc họ ồ ạt trở lại quê hương có thể gây thêm căng thẳng tới nỗ lực cung cấp viện trợ cho cộng đồng người đang gặp khó khăn ở Nam Sudan.

Ethiopia

Các cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn bùng phát định kỳ dọc theo những khu vực tranh chấp ở biên giới của Sudan với Ethiopia. Các nhà phân tích cho rằng một trong hai bên có thể lợi dụng tình trạng bất ổn ở Sudan để đạt được mục tiêu của mình.

Khi xung đột nổ ra ở khu vực phía Bắc Tigray của Ethiopia vào năm 2020, căng thẳng đã nổi lên ở biên giới Al-Fashqa, đẩy hơn 50.000 người tị nạn Ethiopia đến các khu vực vốn đã nghèo khó ở phía Đông Sudan.

Ethiopia cũng sẽ theo dõi các diễn biến do căng thẳng liên quan đến con đập của nước này được xây dựng ở thượng nguồn sông Nile, vốn bị Sudan xem là mối đe dọa đối với các đập nước khác của họ nằm trên sông Nile, cũng như với cuộc sống của người dân.

Eritrea

Nhiều người tị nạn Eritrea sống ở miền Bắc Ethiopia đã trốn khỏi trại tị nạn của họ trong cuộc chiến tranh Tigray, diễn ra từ năm 2020 đến năm 2022.

Người tị nạn Eritrea ở Sudan có thể đối mặt với hoàn cảnh tương tự nếu bất kỳ cuộc xung đột nào ngoài khu vực Khartoum leo thang./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/cuoc-xung-dot-o-sudan-khien-cac-nuoc-lang-gieng-nao-loan/859528.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/cuoc-xung-dot-o-sudan-khien-cac-nuoc-lang-gieng-nao-loan/859528.vnp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cuộc xung đột ở Sudan khiến các nước láng giềng náo loạn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO