Chính trị

'Cuộc đời thứ ba' của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

PV 14/09/2023 14:55

Tôi quan niệm, chúng ta có ba cuộc đời và cuộc đời thứ ba mới là cuộc đời đáng sống với những kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị và tìm niềm vui cho mình trong mọi tình huống...

Trong cuộc trao đổi gần đây với VietNamNet, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chia sẻ rất riêng tư về cuộc đời.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh quan niệm: "Cuộc đời thứ ba là về hưu - đây mới là cuộc đời đáng sống với những kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị và tìm niềm vui cho mình trong mọi tình huống...". Ảnh: Lê Anh Dũng chụp ngày 12/7/2023

Khi được hỏi về ký ức, những ký ức đẹp đẽ ăn sâu vào tâm khảm và như một liều thuốc tinh thần để vực dậy bản thân mỗi khi đối diện với khó khăn hay buồn bã trong cuộc sống, Thượng tướng thẳng thắn nói:

Bất cứ ai đều cũng có những ký ức của mình, nghe một bài hát từ xa xưa vẫn thấy hay là bởi nhớ lại thời tuổi trẻ, tuổi thanh xuân; xem những bộ phim ngày xưa thấy hay vì nhớ thời sơ tán, thời chiến đấu…

Ký ức bao giờ cũng đẹp. Có những người khi buồn thì trở lại ký ức, nương náu vào đấy để vượt qua những khó khăn đời thường, nhất là vấn đề về mặt tâm lý. Điều đó đúng, nhưng với tôi là chưa đầy đủ.

Tôi cũng có nhiều ký ức, ví dụ như với việc thành lập "Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh", tôi đã âm ỉ ba mươi mấy năm. Hay hồi ba mất, tôi đã tập đi xe đạp, mỗi khi rảnh rỗi, vui hay buồn đều một mình đạp xe lên nơi ba an nghỉ ở Mai Dịch, yên lặng ngồi đó…

Và tôi luôn sống cuộc sống hiện tại, hài lòng với nó. Tôi luôn có kế hoạch cho tương lai, trung hạn và dài hạn, kể cả đối đầu với bệnh tật, sống lạc quan.

Tôi quan niệm, chúng ta có ba cuộc đời. Một là cuộc đời chuẩn bị cho chính mình (từ nhỏ tới khi học hành), cuộc đời thứ hai là làm việc đóng góp cho gia đình và xã hội (cuộc đời phục vụ) và cuộc đời thứ ba là về hưu - đây mới là cuộc đời đáng sống với những kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị và tìm niềm vui cho mình trong mọi tình huống...

Theo ông Nguyễn Chí Vịnh, cuộc đời thứ hai là làm việc đóng góp cho gia đình và xã hội (cuộc đời phục vụ). Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh - cuối năm 2014. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể, hồi trẻ khi hoạt động bên Campuchia, ông hay đọc sách, không còn gì để đọc nữa thì ngồi viết đủ thứ, kể cả viết văn.

Và ngay cả lúc biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông vẫn không ngừng viết. “Tôi đã viết bài nói về việc xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc; những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua ảnh; câu chuyện hành trình dioxin ở Việt Nam; câu chuyện thiết lập cơ chế hợp tác đa phương về quốc phòng ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại)”, ông cho biết.

Cơ duyên với ngành tình báo của một thượng úy quân đội

Là người trưởng thành qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo quốc phòng, tháng 11/1999, khi mang quân hàm Đại tá, ông Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng. Tháng 6/2000, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng. Cuối năm 2009, ông thôi kiêm nhiệm chức vụ này để toàn tâm thực hiện trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng kể:

Năm 1983, tôi tốt nghiệp sĩ quan. Với những gì tôi được học, được rèn sau 3 năm ở trường sĩ quan, chỉ có một điểm đến đúng đắn nhất là chiến trường. Mà khi đó thì toàn quân như thế, các sĩ quan mới ra trường hầu hết đều ra mặt trận, nếu không lên phía Bắc thì cũng sang Campuchia.

Tôi đến gặp chú Văn Tiến Dũng, chú ngần ngại, tôi phải trình bày rất lâu ông mới nói: “Việc này chú phải trao đổi với bác Lê Đức Thọ”. Vài ngày sau, chú Dũng gọi tôi đến, bảo: “Bác Thọ gạt đi, bảo không được đâu, anh Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-PV) có mỗi thằng con trai, sang đấy làm sao thì mất giống nhà nó. Mà chị mới mất đưa nó đi làm gì?”.

Cuộc gặp mặt của sĩ quan trẻ Nguyễn Chí Vịnh với ông Lê Đức Thọ. Ảnh GĐCC

Tôi gặp ông Ba Trà (tức Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng sau này), khi đó là Sư đoàn trưởng 330, đang chiến đấu ở biên giới Campuchia - Thái Lan. Ông bảo: “Cậu vào sư đoàn tôi đi, hiện đang ở tây bắc Campuchia, đánh nhau ác liệt lắm. Nhưng phải được ông Lê Đức Anh đồng ý”. Tôi đến gặp ông Sáu Nam (ông Lê Đức Anh), trình bày nguyện vọng: “Cháu xin vào sư 330 chỗ chú Ba Trà”.

Ông Sáu Nam suy nghĩ một lát rồi nói: “Chú sẽ nói với bác Sáu Thọ”. Lại “bác Sáu Thọ”? Sau đó ông Lê Đức Anh tới gặp ông Thọ và bảo lãnh cho tôi: “Tôi chịu trách nhiệm”! Gặp tôi, ông Sáu Nam nói: “Bác Thọ đồng ý cháu đi Campuchia nhưng không về sư 330 mà chuyển sang cơ quan tình báo”. Thực chất các ông tạo điều kiện cho tôi phấn đấu, vì theo các ông, vị trí ấy phù hợp với khả năng của tôi hơn.

Thật là đáng ngạc nhiên, khi mà một trung úy chỉ xin một việc rất nhỏ là ra mặt trận, mà Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Mặt trận, và cuối cùng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng về tổ chức cán bộ phải đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi hiểu, đó là tình cảm và trách nhiệm của các ông đối với ba mẹ tôi, những người đã cùng chiến đấu với họ nhưng không còn nữa…

Năm 1985, ông Sáu Thọ sang Campuchia công tác. Còn nhớ một buổi chiều, anh Ngọc (thư ký ông Sáu Nam) gọi tôi vào: “Ông Sáu Thọ hỏi thăm chú đấy. Sáng nay ông hỏi ông Sáu Nam là Vịnh thế nào”.

Nghe ông Sáu Nam kể sơ qua công việc của tôi, ông bảo: “Gọi nó vào đây tôi gặp”. Ông nghe rất kỹ, hỏi từng tí một, tôi biết đến đâu trả lời đến đó, xong ông bảo: “Cháu làm việc như thế là tốt, cứ thế mà làm cháu ạ!”.

Sau khi ông Sáu Thọ về Hà Nội, ông Sáu Nam gọi tôi vào gặp: “Bữa trước cháu nói gì mà bác Sáu Thọ hài lòng lắm. Bác bảo cho cháu tiếp tục ở lại Campuchia, và phát triển theo ngành tình báo. Chú rất mừng”.

Tôi mới hiểu nếu không có cuộc gặp ấy, hoặc câu chuyện theo hướng khác, thì tôi đã phải rời đội ngũ và về nước. Vì ông Thọ cho tôi sang Campuchia để xem có làm được việc hay không, có tiến bộ không, nếu không, ông sẽ không tiếp tục để tôi ở lại chiến trường. Ông Sáu Nam mừng vì điều đó.

Một thượng úy quân đội ngồi bên cạnh nhà lãnh đạo số 2 của Đảng, vừa nằm võng vừa tỉ tê hỏi chuyện, từng chi tiết một, xem nó hiểu đến đâu, làm được việc gì…, không biết còn có anh cán bộ trẻ nào khác được may mắn như tôi không?

Rạng sáng nay 14/9, sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù được Đảng, Nhà nước, quân đội, các giáo sư, bác sĩ, gia đình tận tình chăm sóc cứu chữa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã từ trần tại nhà riêng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15/5/1959. Tuy nhiên, trong giấy tờ lý lịch ghi ông sinh năm 1957 (trong một cuộc trao đổi gần đây với VietNamNet, Thượng tướng giải thích rằng, khi xin đi bộ đội thì mới 17 tuổi, nếu khai tuổi thật không được nhập ngũ, nên phải khai thêm 2 tuổi).

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cuoc-doi-thu-ba-cua-thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-2189409.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/cuoc-doi-thu-ba-cua-thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-2189409.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        'Cuộc đời thứ ba' của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO