Khói bốc lên từ một tòa nhà trong cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF tại Khartoum, ngày 23/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 25/4 đã kêu gọi các bên liên quan tuân thủ lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ và tiến tới thiết lập lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Sudan, ông Guterres nêu rõ xung đột giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã gây tình trạng bạo lực và hỗn loạn nghiêm trọng trong gần 2 tuần qua.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo cuộc chiến tranh quy mô lớn và kéo dài tại nước này là không thể chấp nhận được.
Theo ông Guterres, Sudan giáp với 7 quốc gia và tất cả các nước này đều đang trải qua xung đột hoặc chứng kiến tình trạng bất ổn dân sự nghiêm trọng trong thập kỷ qua.
Ngoài ra, đây cũng là cửa ngõ vào Sahel - nơi tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị đang khiến tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc càng trở nên tồi tệ hơn.
Do đó, cuộc đấu tranh quyền lực ở Sudan không chỉ khiến tương lai của đất nước này gặp rủi ro, mà còn có thể châm ngòi nổ xuyên biên giới, gây ra nỗi thống khổ cho người dân trong nhiều năm và khiến sự phát triển bị thụt lùi trong nhiều thập kỷ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh "cần nỗ lực toàn diện cho hòa bình" tại Sudan, đồng thời kêu gọi các bên tham gia lập tức chấm dứt giao tranh, ngồi vào bàn đàm phán và "đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu."
Xung đột khiến tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm đang trở nên trầm trọng ở Sudan.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết: "Tình trạng thiếu lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là ở Khartoum và các khu vực lân cận. Giá của các mặt hàng thiết yếu - cũng như phương tiện đi lại - đang tăng chóng mặt."
Theo OCHA, tại Wad Madani (thuộc bang Aj Jazirah), giáp với Khartoum, giá các mặt hàng thiết yếu tăng từ 40% đến 100%.
Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi các cơ sở chăm sóc sức khỏe trở thành mục tiêu tấn công của các phe đối địch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra thảm họa sinh học tại thủ đô Khartoum sau khi một trong những bên tham gia giao tranh tại nước này chiếm quyền kiểm soát Phòng thí nghiệm y tế quốc gia - nơi lưu giữ mầm bệnh sởi và bệnh tả.
Chia sẻ với báo giới tại Geneva qua video kết nối từ Sudan, ông Nima Saeed Abid, quan chức của WHO cho biết toàn bộ nhân viên kỹ thuật đã bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm.
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là việc đảm bảo các vật liệu sinh học và vật chất sẵn có trong phòng thí nghiệm được cất giữ an toàn. Ông từ chối cho biết lực lượng nào chiếm giữ phòng thí nghiệm.
Theo số liệu của WHO, hơn 400 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương kể từ khi nổ ra giao tranh tại Sudan.
Nhiều quốc gia đã tận dụng thời gian 72 giờ ngừng bắn (theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian) để khẩn trương sơ tán công dân của mình.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/4 cho biết hầu hết công dân nước này đã sơ tán theo nhóm một cách an toàn khỏi Sudan tới các nước láng giềng.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Jeddah đã yêu cầu công dân nước này có kế hoạch sơ tán sang Saudi Arabia đi qua Cảng Hồi giáo Jeddah, nơi cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã cử nhóm công tác tới giúp đỡ.
Trong ngày 25/4, Ai Cập thông báo đã sơ tán thêm hơn 1.500 công dân, nâng tổng số người Ai Cập được sơ tán khỏi Sudan lên con số 1.539 trường hợp kể từ khi bạo lực leo thang tại quốc gia Đông Phi này.
Ai Cập hiện có khoảng 10.000 công dân ở Sudan, trong đó có 5.000 sinh viên. Một nhà ngoại giao Ai Cập đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và lực lượng RSF.
Hy Lạp cũng đã sơ tán hơn 50 công dân và các thành viên gia đình của họ khỏi thủ đô Khartoum của Sudan.
Theo Ngoại trưởng Nikos Dendias, nhóm người sơ tán đầu tiên hiện đã đến Athens. Hiện vẫn còn khoảng 80 công dân Hy Lạp và các thành viên gia đình của họ vẫn ở Khartoum và chính phủ Hy Lạp đang tiếp tục nỗ lực để hồi hương tất cả trong số họ.
Trong khi đó, nhóm sơ tán đầu tiên của Anh (gồm khoảng 40 dân thường) cũng đã được máy bay chở tới đảo Cyprus ngày 25/4.
Dự kiến sẽ có thêm 2 chuyến bay nữa được triển khai trong ngày 26/4, qua đó nâng tổng số người sơ tán trong đợt này lên khoảng 220 người. Cơ chế giải cứu nhân đạo trước đó đã được Cộng hòa Cyprus kích hoạt theo yêu cầu của Vương quốc Anh.
Jordan, Somali và Zimbabwe cũng đang triển khai các công tác sơ tán tương tự.
Đối với người dân Sudan, cuộc chiến ở Khartoum cũng đang chia rẽ các gia đình, bởi một số người quyết định ở lại trong khi những người thân yêu của họ lựa chọn ra đi. Dania Atabani, 23 tuổi cho biết cha mẹ, dì và anh em họ của cô đều rời thành phố nhưng cô quyết định ở lại chăm sóc ông bà.
Nhiều người trẻ tuổi khác như Sammer Hamza, 26 tuổi, vẫn chưa quyết định nên đi hay ở lại. Các cuộc đụng độ tiếp tục leo thang trong khu vực của cô khiến việc ra ngoài trở nên rất nguy hiểm.
Nhưng ngay cả khi lựa chọn chạy trốn trở nên an toàn hơn, Hamza nói rằng việc rời khỏi ngôi nhà - và thành phố yêu dấu - sẽ là lựa chọn khó khăn nhất mà cô từng phải thực hiện.
Chia sẻ với Al Jazeera qua điện thoại khi đang cố kìm lại nước mắt, Hamza nói: “Tôi thực sự không muốn rời khỏi nhà. Tôi hy vọng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra ở Sudan. Tôi hy vọng rằng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra ở Khartoum.”
Điều kiện sống khốn khổ đã tạo ra một cuộc di cư quy mô lớn, khiến thủ đô Khartoum của Sudan trở nên hoang vắng như một “thị trấn ma.”
Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nhiều khu vực trầm trọng hơn do cuộc sống ở những nơi này thường phụ thuộc vào hàng viện trợ, thì nay còn không có cả điện, nước sinh hoạt.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong ngày 25/4, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và một số quốc gia đã đánh giá cao nỗ lực và vai trò "đầu tàu" của Saudi Arabia trong việc sơ tán công dân nước ngoài từ vùng chiến sự ở Sudan.
Tổng thư ký OIC Hissein Brahim Taha nhấn mạnh sáng kiến của Saudi Arabia đã được đưa ra kịp thời.
Ông đồng thời gửi lời cảm ơn tới Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, nhắc lại lời kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan ngừng bắn và chọn giải pháp đối thoại để bảo đảm an ninh và an toàn cho người dân cũng như đất nước Sudan.
Trước đó ngày 24/4, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed Al-Nahyan và Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh AK Abdul Momen đã gửi lời cảm ơn tới người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, vì nỗ lực giải cứu công dân các nước từ vùng chiến sự ở Sudan.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cũng gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Saudi Arabia trong việc sơ tán các nhân viên của WB từ Sudan sang Saudi Arabia./.