Ngày 24/12, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có thông tin chính thức gửi báo chí khẳng định, vịnh Hạ Long không có tên trong Danh sách 56 Di sản Thế giới bị đe dọa.
Cụ thể, Cục Di sản văn hóa cho biết, ngày 20/12, Hãng Reuters đưa tin UNESCO sẽ triển khai một nhóm chuyên gia sang khảo sát thực địa tại Vịnh Hạ Long nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ với địa điểm này. Đây là một trong những nội dung đã được Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp 46 Ủy ban Di sản Thế giới từ ngày 21 - 31/7/2024 trao đổi, thống nhất với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS).
Cục Di sản văn hóa cũng thông tin, tại Kỳ họp lần thứ 46 năm 2024, Ủy ban Di sản Thế giới đã kiểm tra các báo cáo về tình trạng bảo tồn của 123 Di sản Thế giới, trong đó có 56 Di sản Thế giới thuộc Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa (Việt Nam chưa từng có di sản thế giới nào bị đưa vào Danh sách này tính đến thời điểm hiện tại).
Về nội dung cụ thể, tại Kỳ họp lần thứ 46 năm 2024, Ủy ban Di sản Thế giới đã kiểm tra các báo cáo về tình trạng bảo tồn của 123 Di sản Thế giới, trong đó có 56 Di sản Thế giới thuộc Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa.
“Việt Nam chưa từng có di sản thế giới nào bị đưa vào Danh sách này tính đến thời điểm hiện tại”, Cục Di sản văn hóa khẳng định.
Đồng thời, Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định thông qua việc đưa 1 di sản Vườn quốc gia Niokolo-Koba (Senegal) ra khỏi Danh sách Di sản thế giới bị đe dọa và bổ sung việc đưa 1 di sản Tu viện Saint Hilarion/Tell Umm Amer (Palestine) vào Danh sách Di sản thế giới bị đe dọa, do những mối đe dọa đối với di sản này từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, vẫn có 56 Di sản thế giới đang nằm trong Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa.
Về Vịnh Hạ Long, theo Cục Di sản văn hóa, từ Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới năm 2023 đã đưa ra các khuyến nghị về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này, qua theo dõi về các hoạt động bảo tồn di sản và báo cáo của Việt Nam, Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa ra 8 khuyến nghị về việc bảo tồn Di sản thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà.
Các khuyến nghị bao gồm việc đánh giá sức chịu tải của di sản, hoàn thiện chiến lược quản lý du lịch bền vững, kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển trong khu vực bảo vệ, và quản lý vấn đề ô nhiễm môi trường. UNESCO cũng đề nghị Việt Nam nộp bản đồ phân vùng chi tiết sau khi Vịnh Hạ Long được mở rộng thêm quần đảo Cát Bà, đồng thời mời đoàn giám sát đến đánh giá hiệu quả tổ chức quản lý bảo tồn.
Cục Di sản văn hóa cho biết, trao đổi trong thời gian diễn ra Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới, ông Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo xem Việt Nam như là hình mẫu hợp tác với UNESCO và các Cơ quan tư vấn của UNESCO và là trường hợp điển hình của việc bảo tồn di sản thế giới.
Đánh giá cao việc Việt Nam tiếp tục triển khai nghiên cứu các giá trị văn hóa đặc sắc của Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà để tiến tới xây dựng hồ sơ, bổ sung tiêu chí về văn hóa cho Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà, cũng như sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam đối với nội dung nghiên cứu này. Theo đó, UNESCO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Việt Nam đề nghị trong thời gian tới.
Theo Cục Di sản văn hóa, trong thời gian tới, với sự hỗ trợ từ UNESCO, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với đoàn chuyên gia, tiếp thu các ý kiến tư vấn để tiếp tục hoàn thiện công tác bảo vệ Vịnh Hạ Long. Đồng thời, việc nghiên cứu sâu hơn về giá trị văn hóa sẽ giúp nâng tầm di sản, đóng góp vào mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị bền vững của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trong tương lai.