Cụ thể, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 có quy định: Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức như gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Điều quan trọng nhất tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đó là người ứng cử có quyền báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND các cấp… Trong mỗi chương trình hành động, tùy theo trình độ, cương vị, lĩnh vực, chuyên môn nghiệp vụ của mình, người ứng cử tập trung vào những vấn đề mang tính “quốc kế dân sinh”, liên quan đến đời sống thực tế của địa phương, người dân, với hứa hẹn sẽ nêu chính kiến, có tiếng nói tại các diễn đàn Quốc hội, HĐND nếu được trúng cử. Chương trình hành động không chỉ là những trọng tâm cần tập trung thực hiện mà còn là tâm huyết, trách nhiệm, động lực cao và cao hơn cả là lời hứa trước cử tri.
Có thể nói, những chương trình hành động được xem như là “những lời hứa” của người ứng cử về những gì mà bản thân sẽ làm sau khi được cử tri tín nhiệm, bầu vào các cơ quan dân cử. Vì vậy, nhìn vào chương trình hành động, cử tri phần nào sẽ đánh giá được năng lực, khả năng của mỗi ứng cử viên mà thường gọi nôm na là “cái tâm, cái tầm” để có sự lựa chọn, quyết định bằng lá phiếu của mình.
Người đại biểu được bầu chọn tác động đến việc mang lại lợi ích cho Nhân dân, đất nước, địa phương. Vì vậy, cử tri cần phải sáng suốt bầu chọn được người đại biểu xuất sắc nhất, đủ đức, đủ tài để phục vụ đất nước, địa phương. Do đó, cử tri, người dân cần quan tâm đến việc tìm hiểu lý lịch cũng như những việc làm thực tế trước đây của những người ứng cử để lựa chọn được người ưu tú, đại diện cho Nhân dân.
Rõ ràng, điều mà cử tri, Nhân dân mong muốn nhất tại các kỳ bầu cử vẫn là chuyện thực hiện lời hứa của các đại biểu sau khi trúng cử vào các cơ quan dân cử. Bởi vì, trong tất cả cuộc bầu cử nào cũng vậy, điều quan trọng nhất là bầu ra được những đại biểu xứng đáng, thực hiện được lời hứa bằng việc thể hiện năng lực, trí tuệ trước những vấn đề “quốc kế dân sinh”, đóng góp cho sự phát triển chung.
Qua thực tế cho thấy, cử tri, Nhân dân ngày càng tin tưởng, kỳ vọng, gửi gắm vào những người đại diện quyền lợi cho mình tại các diễn đàn Quốc hội, HĐND. Vì vậy, mỗi người đại biểu sau khi trúng cử phải xác định mình luôn gánh lên vai trách nhiệm hết sức nặng nề, to lớn mà toàn thể Nhân dân, cả dân tộc giao phó, chứ không phải đơn thuần là bầu cử xong là xong chuyện, đâu lại vào đấy.
Người dân, cử tri luôn hiểu rằng, trong bối cảnh tình hình chung của đất nước, tỉnh nhà hiện nay còn nhiều khó khăn, thì để đại biểu đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của tất cả cử tri, Nhân dân là điều không phải dễ. Thế nhưng, mỗi đại biểu khi được cử tri tín nhiệm, bầu vào các cơ quan dân cử cần phải “có tâm, có tầm”, thật sự hiểu rõ những bức xúc, quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp Nhân dân thì mới đầu tư công sức, trí tuệ, đi sâu, đi sát tìm hiểu thực tế cũng như mạnh dạn phát biểu tại diễn đàn các kỳ họp. Có như vậy, đại biểu mới có thể thực hiện được lời hứa đã nêu trong chương trình hành động, thật sự nêu cao vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri.
Bằng niềm tin, hy vọng, bằng lá phiếu của mình, vào ngày 23/5 tới đây, cùng với cả nước, cử tri trong tỉnh chắc chắn sẽ thể hiện quyền công dân một cách sáng suốt để bầu ra được những đại biểu thật sự xứng đáng.