Cử nhân công nghệ sinh học thành công với đông trùng hạ thảo

Hưng Nguyên| 24/05/2022 09:41

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Tây Nguyên, anh Nguyễn Thanh Toàn, ở thôn Nam Hiệp, xã Nam Đà (Krông Nô) đã chọn nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) để khởi nghiệp. Anh đã thành công với mô hình sản xuất này và mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Anh Toàn sớm được tiếp cận với ĐTHT khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Anh cũng được đào tạo bài bản về công nghệ sinh học. Do đó, anh có cơ sở để tự tin khởi nghiệp với loại hình sản xuất ĐTHT.

Thế nhưng, theo anh Toàn, để khởi nghiệp không chỉ cần kiến thức sách vở mà còn phải có kinh nghiệm thực tiễn. Chính vì thế, anh dành nhiều thời gian qua Đà Lạt tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất ĐTHT.

Đi đến đâu anh cũng cẩn thận chụp hình, ghi lại các thông số kỹ thuật, cách thiết kế về phòng nuôi, khâu chăm sóc, khâu bảo quản sản phẩm ĐTHT.

Cũng theo anh Toàn, sở dĩ anh chọn ĐTHT để khởi nghiệp vì loại nấm này được xem là một trong những loại thảo dược quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao, thị trường đầu ra nhiều tiềm năng, ổn định.

Quá trình sản xuất phôi nấm được anh Toàn tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt

Có vốn kiến thức góp nhặt được, cùng với nền tảng học từ ghế nhà trường, năm 2018, anh Toàn mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, sửa sang phòng cấy mô, phòng nuôi để bắt đầu thử nghiệm trồng ĐTHT.

Sau quá trình thử nghiệm, năm 2019, anh Toàn mở rộng quy mô sản xuất lứa đầu tiên và thành công. Thế nhưng, khó khăn lại ập đến với anh. Vì những đợt sản xuất tiếp theo, ĐTHT không phát triển, buộc anh phải bỏ đi cả ngàn phôi giống.

Rút kinh nghiệm từ những thất bại, anh tìm hiểu kỹ, phân tích từng nguyên nhân và thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Từ tỷ lệ phôi trộn đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng... đều được anh triển khai kỹ lưỡng.

Cuối cùng, thành công cũng mỉm cười với anh. Anh Toàn chia sẻ: "Tỷ lệ thành công của lứa nuôi ĐTHT phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Từ khâu làm giá thể cho đến bảo đảm các điều kiện nuôi cấy, chăm sóc đều phải kỹ càng và theo dõi thường xuyên".

Mô hình sản xuất ĐTHT mang về nguồn thu nhập ổn định cho anh Toàn

Theo kinh nghiệm của anh Toàn, trong quy trình nuôi, nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, tính dược liệu của ĐTHT. Do đó, phòng nuôi phải bảo đảm nhiệt độ thích hợp, phải vô trùng để nấm không nhiễm bệnh. Người nuôi ĐTHT phải thường xuyên theo dõi để kịp thời tách, xử lý những hũ phôi bị hư hại, tránh lây lan sang các hũ khác.

Hiện nay, mỗi tháng anh Toàn sản xuất được khoảng 3.000 - 4.000 phôi giống ĐTHT, với giá bán 30.000 đồng/phôi. Lượng phôi sản xuất tới đâu có khách hàng đặt mua tới đó, nên anh tập trung vào sản xuất giống là chính. Theo tính toán của anh Toàn, mỗi tháng mô hình ĐTHT mang về nguồn thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Anh Toàn có chính sách bảo hành khá chu đáo đối với sản phẩm của mình. Những phôi giống không đạt hiệu quả sẽ được anh tính toán để người mua không bị thiệt.

Không chỉ cung cấp giống phôi chất lượng cao, anh Toàn còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ khách hàng thiết kế phòng nuôi, theo dõi quá trình phát triển và kết nối để tiêu thụ sản phẩm.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài sản xuất phôi giống, anh còn sản xuất ĐTHT tươi, khô, ngâm mật ong, ngâm rượu... Hiện nay, anh đang xây dựng thương hiệu nấm ĐTHT Rồng Vàng để quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/cu-nhan-cong-nghe-sinh-hoc-thanh-cong-voi-dong-trung-ha-thao-93166.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/cu-nhan-cong-nghe-sinh-hoc-thanh-cong-voi-dong-trung-ha-thao-93166.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cử nhân công nghệ sinh học thành công với đông trùng hạ thảo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO