Cư K’nia là một xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, nên việc triển khai Chương trình xây dựng NTM trong những năm qua đã gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với sự đồng thuận của Nhân dân, Chương trình xây dựng NTM tại địa phương đã có những chuyển biến tích cực.
Sử dụng giống lúa ST 24 giúp năng suất lúa của người dân xã Cư K’nia đạt trên 8 tấn/ha/vụ |
Để Chương trình xây dựng NTM đạt mục tiêu đề ra, xã Cư K’nia xác định lấy công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân làm ưu tiên hàng đầu. Theo ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K'nia, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn giữ vai trò chủ yếu.
Do đó, vấn đề thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị được xã quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Qua đó, xã đã quy hoạch hợp lý diện tích sản xuất và sản phẩm nông nghiệp tập trung vào một số cây trồng chủ yếu như: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, cao su, điều, lúa, ngô…
Đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng được mối liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà phân phối trong sản xuất nông nghiệp. Mối quan hệ đầu tư – nghiên cứu cây trồng, vật nuôi với thu mua, bao tiêu sản phẩm cũng được hình thành.
Mô hình xoài sản xuất theo tiểu chuẩn VietGAP tại thôn 6, xã Cư K’nia (Cư Jút) |
Năm 2020, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Cư Jút và các doanh nghiệp mở trên 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng cho hơn 2.500 người tham gia.
Thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ được đưa vào sản xuất như: Mô hình trồng cà phê, hồ tiêu theo tiêu chuẩn Oganic; mô hình trồng cam, quýt, xoài; mô hình trồng lúa chất lượng cao ST 24, RVT; mô hình chăn nuôi tổng hợp...
Đặc biệt, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào sản xuất đã tạo đà cho người dân hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tại địa phương có khoảng 300 ha lúa, 200 ha ngô, 50 ha cây ăn quả được trồng bằng giống mới, góp phần tăng khoảng 30 – 40% sản lượng so với các loại giống địa phương.
Việc tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã giúp cho giá trị thu nhập của người dân không ngừng tăng cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 của xã Cư K'nia giảm còn 50 hộ, chiếm tỷ lệ 2,56% dân số. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của xã đạt 19 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 đạt 41 triệu đồng/người/năm.
Phát triển điện năng lượng mặt trời góp phần đáp ứng nhu cầu điện sản xuất của người dân |
Để bảo đảm nguồn nước sản xuất, Cư K’nia đã được đầu tư hoàn chỉnh các công trình thủy lợi, phục vụ hiệu quả công tác tưới tiêu trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ diện tích cây trồng được bảo đảm tưới chủ động đạt 95%, tương đương 2.814/2.960 ha. Nhờ đó, nhiều năm qua, trên địa bàn gần như không có diện tích cây trồng bị hạn hán do thiên tai gây ra.
Hệ thống giao thông nông thôn ở Cư K'nia cũng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Sau 10 năm triển khai lồng ghép các nguồn vốn, xã đã huy động được trên 15 tỷ đồng để phát triển giao thông.
Đến nay, mạng lưới giao thông của Cư K'nia đã liên kết được các thôn, xóm, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Tính đến năm 2020, toàn xã đã có tổng cộng 39,536/57,21 km đường được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, đạt tỷ lệ 69,1%.
Cũng theo ông Lê Xuân Cường, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM đã đạt được. Trong đó, địa phương sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm…
Xã cũng tích cực thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng cơ sở, môi trường và dịch vụ. Xã phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.