Cư Jút và động lực phát triển từ hạ tầng giao thông
Xác định hệ thống giao thông có vai trò đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cư Jút đang đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Tăng tính kết nối
Dạo quanh một vòng trên tuyến đường thôn 7 của xã Tâm Thắng ai cũng phải trầm trồ bởi không chỉ sự thoáng đãng, rộng rãi, mà còn từ sự bài trí khá đẹp mắt với nhiều cây xanh và rợp bóng cờ, hoa.
Tuyến đường có chiều dài 1,1km, chiều rộng là 26,5m. Mặt đường thảm nhựa, vỉa hè được lát gạch thẳng tắp. Tuyến đường này đang được địa phương xây dựng thành tuyến đường kiểu mẫu.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng Trần Thế Quang cho hay, kết quả này không phải tự nhiên mà có, hay hình thành được qua ngày một ngày hai, mà là cả quá trình để người dân dần nâng cao về nhận thức. Từ đó, xóa đi những điểm bị ô nhiễm vì rác thải sinh hoạt, những khu vườn tạp bao phủ che kín cả mặt đường, cỏ dại mọc um tùm…
Đường mới mở rộng đã kết nối các khu dân cư quanh huyện. Các dịch vụ, hàng quán kinh doanh mới cũng mọc lên nhiều hơn, thuận tiện phục vụ đời sống bà con…
Không chỉ tuyến đường thôn 7, mà rất nhiều tuyến giao thông khác trên địa bàn huyện cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng, chỉnh trang sạch, đẹp. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Cư Jút được đầu tư khá đồng bộ, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Theo đó, mạng lưới giao thông đường bộ của huyện hiện có: quốc lộ, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, với tổng chiều dài khoảng 670,3km. Trong đó, quốc lộ gồm có 3 tuyến: đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 28 và quốc lộ 14C, với tổng chiều dài 31,42km.
Mạng lưới đường đô thị gồm có 69 tuyến, với tổng chiều dài 62,66km, tập trung chủ yếu tại thị trấn Ea T’ling. Tỷ lệ mặt đường từ láng nhựa trở lên đạt 83,2%, tỷ lệ chiều dài đường có quy mô 2 làn xe chiếm đến 80%.
Mạng lưới đường huyện có 4 tuyến, với tổng chiều dài 71,73km. Tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt 62,11%. Mạng lưới đường chuyên dùng có 1 tuyến, với tổng chiều dài 38,4km.
Còn lại là hệ thống đường xã và các loại đường nông thôn, có tổng chiều dài là 457,92km, chiếm tỷ lệ 72,6% tổng chiều dài hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn.
Đồng bộ hạ tầng
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Ngô Quốc Phong thông tin, tuy được tập trung đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Cư Jút hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Ông Phong nêu ví dụ, hiện nay, tuyến quốc lộ 28 đoạn qua trung tâm thị trấn Ea T’ling vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo cấp quy hoạch. Quy mô, chất lượng mặt đường thấp. Nhiều đoạn tuyến, mặt đường huyện và đường xã đã xuống cấp…
Cư Jút đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, xã được vào cấp kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn.
Để làm được điều này, địa phương đang kiến nghị với Trung ương và tỉnh sớm có lộ trình và kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông trọng điểm đi qua địa bàn huyện như: đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 28, quốc lộ 14C. Đồng thời, kiến nghị di dời các hộ dân nơi các tuyến quốc lộ đi qua và đầu tư xây dựng hệ thống đường gom. Qua đó giúp xóa bỏ các điểm đấu nối không đúng quy hoạch, các vị trí đấu nối không bảo đảm an toàn.
Huyện sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt ưu tiên những công trình huyết mạch, như: huyện lộ, đường liên xã, đường đô thị và đường kết nối các điểm, khu du lịch.
Giai đoạn 2025-2030, Cư Jút đề xuất ưu tiên đầu tư 5 dự án giao thông chính. Đó là: Dự án đường giao thông kết nối từ Tâm Thắng – Nam Dong – Ea Pô; nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐH1 (trung tâm huyện đi xã Đắk Wil); tuyến đường từ đường Hồ Chí Minh (km 1804 + 900 đến đập thủy lợi Đắk Diêr); các tuyến đường đã được huyện đầu tư nền đường trong giai đoạn 2021 – 2025 ưu tiên phương án cứng hóa và hệ thống thoát nước; tuyến đường Hùng Vương (QL28) đoạn qua thị trấn Ea T'ling.