Cư Jút hiện có khoảng 40.560 ha đất sản xuất, với nhiều loại cây trồng giàu tiềm năng, lợi thế. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện không ngừng phát triển, tạo được các chuỗi sản phẩm hàng hóa đa dạng, tăng thu nhập cho người dân.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Cư Jút, hầu hết diện tích gieo trồng trên địa bàn còn nhỏ lẻ, phân tán và thiếu liên kết, chưa tuân thủ quy trình sản xuất GAP.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện chưa bảo đảm an toàn chất lượng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thời gian qua, nhiều nông hộ, HTX, tổ hợp tác đã nỗ lực thực hành sản xuất theo hướng GAP, nhưng hiệu quả chưa cao.
"Nông dân vẫn còn sản xuất tự phát, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa được chú trọng, nên sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thương lái. Do đó, bà con luôn bị thiệt thòi", ông Sơn chia sẻ.
Người dân thôn 1, xã Cư K’nia đã tiếp cận quy trình sản xuất lúa VietGAP |
Để khắc phục những tồn tại trên, theo ông Sơn, Cư Jút đã triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản theo quy trình thực hành GAP giai đoạn 2020 – 2025.
Theo đó, huyện sẽ chú trọng xây dựng, hình thành chuỗi cung ứng, phân phối, tiêu thụ các loại nông sản chủ lực được sản xuất hoặc chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng GAP, an toàn thực phẩm, hữu cơ, sinh thái…
Huyện phấn đấu từ nay đến 2025 sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm nông sản đạt quy chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc từ 2-3%; lĩnh vực chăn nuôi từ 7-8% .
Đến năm 2025, diện tích cây trồng toàn huyện sẽ đạt tiêu chuẩn GAP là 2-3% trở lên; tỉ lệ vật nuôi đạt tiêu chuẩn GAP (tính trên tổng đàn chăn nuôi tập trung) đạt 5% trở lên; tỷ lệ nông sản được chứng nhận GAP tiêu thụ ổn định thông qua ký kết hợp đồng đạt từ 2-3% trở lên...
Các xã cũng sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng thành công các mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn GAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu...
Trên địa bàn huyện phấn đấu có ít nhất 1 - 2 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác làm đầu mối thu mua, liên kết chuỗi phân phối các loại rau, củ, trái cây, cà phê, hồ tiêu, thịt gia súc, gia cầm… được chứng nhận GAP.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cư Jút, huyện sẽ tích cực tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Huyện xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, kêu gọi các dự án đầu tư đạt các tiêu chuẩn về GAP, hữu cơ, 4C…