Kinh tế

Cư Jút tạo sinh kế để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Kim Ngân 06/11/2023 22:02

Từ nguồn vốn của các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu, giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo.

z48392-1-.jpg
Người dân Cư Jút được hỗ trợ vay vốn để phát triển từ trồng trọt

Trước đây, gia đình chị H’Duyên Byă, ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng là hộ nghèo. Chị được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay số tiền 80 triệu đồng để tạo sinh kế. Từ số tiền này, gia đình chị đã đầu tư chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò. Nhờ phát huy hiệu quả đồng vốn vay, nên đến nay, gia đình chị H’Duyên Byă đã có nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Chị H’Duyên Byă cho biết: “Ngoài hỗ trợ cho vay vốn, chúng tôi còn được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả. Tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò. Từ đó, hiệu quả sản xuất được nâng lên thu nhập được cải thiện”.

Gia đình ông Y Núc Êban, ở buôn Trum, xã Tâm Thắng, trước đây cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, phương tiện phục vụ sản xuất. Gia đình ông được hỗ trợ máy làm đất, từ đó hiệu suất lao động của gia đình tăng lên rõ rệt. Ông Y Núc Êban cho hay: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ máy móc nông nghiệp, bồn đựng nước… Không riêng gì gia đình tôi, mọi người dân trong buôn đều rất cảm kích vì được Đảng và Nhà nước quan tâm, giúp chúng tôi vươn lên thoát nghèo”.

Giai đoạn 2021-2025, Cư Jút phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm là 1,5-2% trở lên; 100% hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giảm nghèo. Huyện phấn đấu có 2 thôn, bon thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 50%.

Theo ông Vũ Sinh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, xã đã đầu tư, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con. Bà con còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, vay vốn ưu đãi… Nhờ đó, đời sống các hộ đồng bào DTTS ở xã Tâm Thắng được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Còn tại xã Cư K'nia, địa bàn có hơn 80% dân số là người đồng bào DTTS sinh sống. Thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của bà con trên địa bàn xã đã được cải thiện. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Cư K'nia giảm 1,5%/năm; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm...

Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K'nia cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần xây dựng hạ tầng về y tế, giáo dục, từng bước nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn”.

Cũng theo ông Lê Xuân Cường, xã đã xây dựng mục tiêu là phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực để giúp đồng bào vươn lên, phát triển, ổn định cuộc sống. Địa phương chủ động thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững tại vùng DTTS. Từ đó, giúp thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của các hộ DTTS trên địa bàn.

z483929437-1-.jpg
Đường giao thông nông thôn ở xã Tâm Thắng được bê tông hoá, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi

Lãnh đạo UBND huyện Cư Jút cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, huyện được phân bổ gần 22 tỷ đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Nguồn vốn này huyện đã đầu tư tập trung vào bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Từ đó, giúp tạo các mô hình sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng DTTS ổn định, nâng cao đời sống...

Năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn huyện Cư Jút còn 1.908 hộ, với 8.001 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 2,17%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 2% so với 2021.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cư Jút tạo sinh kế để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO