Nông nghiệp - Nông thôn

Cư Jút tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Kim Ngân 28/07/2023 06:29

Huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, huyện chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

ADQuảng cáo
dsc_0526(1).jpg
Trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê giúp ông Phạm Văn Việt, bon U3, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) nâng cao thu nhập

Là địa phương có thế mạnh trong phát triển ngành nông nghiệp, Cư Jút tập trung phát triển các loại cây lâu năm và hàng năm. Hiện nay, diện tích cây hàng năm của huyện đạt 20.827 ha; cây lâu năm 19.849 ha. Tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 110.194 tấn/năm.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện có bước chuyển biến tích cực theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng. Địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, từ sản xuất theo kiểu tự phát, chạy theo số lượng, đến nay, người dân đã áp dụng kỹ thuật để gia tăng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả cao.

Đây là kết quả do huyện Cư Jút triển khai chính sách kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm.

Từ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước chuyển từ nông nghiệp số lượng sang chất lượng, giá trị cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện năm 2022 đạt 6,8 %.

dsc_9925(1).jpg
Canh tác cây ngắn ngày mang lại lợi thế và thu nhập cao cho người dân huyện Cư Jút
ADQuảng cáo

Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế của huyện có bước chuyển dịch đáng kể, giảm từ 27% năm 2018 xuống còn 23,53% năm 2022.

Huyện từng bước giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 39 triệu đồng/người/năm đến năm 2022 đạt 53 triệu đồng.

Trong sản xuất cây ngắn ngày, năm 2014 đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy triển khai chuỗi liên kết sản xuất với nông dân. Hiện diện tích đậu nành của huyện đạt trên 800 ha. Huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu đậu nành Cư Jút.

Còn đối với cây hồ tiêu, toàn huyện có 2.771 ha, diện tích kinh doanh là 2.757 ha, sản lượng 5.514 tấn/vụ. Trên địa bàn có HTX Thương mại, dịch vụ Bình Minh liên kết với 88 xã viên sản xuất 97,83 ha hồ tiêu theo chuẩn Rain Forest. Sản phẩm của HTX được Công ty gia vị Hà Lan ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Theo ông Vũ Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện được gắn với đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong nội dung tái cơ cấu nông nghiệp.

dsc_9904(1).jpg
Người dân xã Đắk D'rông hiến đất để mở rộng đường liên xã

Đến nay, Cư Jút có 7/7 xã giữ vững được 19/19 tiêu chí NTM và quyết tâm nâng cao mức độ đạt các tiêu chí trong thời gian tới. Trong đó, huyện có 3 khu dân cư kiểu mẫu đạt các tiêu chí NTM khá cao.

Về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, trên địa bàn có xã Nam Dong và Tâm Thắng đã đạt 14/21 tiêu chí, với 52/63 chỉ tiêu. Hai xã này đang trong lộ trình xây dựng NTM nâng cao.

Cũng theo ông Bính, từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đại bộ phận người dân. Từ đó, giúp đời sống của bà con được nâng lên về mọi mặt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cư Jút tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO