Đất nước con người

Cư Jút phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Y Krak 25/12/2024 12:58

Phát huy lợi thế, vẻ đẹp vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Cư Jút đã đầu tư phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống.

Cư Jút là một trong 6 huyện, thành phố nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông với nhiều điểm di sản nổi bật, thắng cảnh đẹp cùng các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số để phát triển du lịch.

Vẻ đẹp “Bản giao hưởng của sự đổi thay”

Cư Jút có nhiều sông, hồ, thác nước, núi như: Thác Trinh Nữ, thác 7 nhánh, thác D’ray H’linh, hồ Trúc, núi lửa Băng Mo. Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện còn mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc như Ê đê, M'nông, Mông, Thái....

Đặc biệt, nằm trên tuyến du lịch “Bản giao hưởng của sự đổi thay” thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, Cư Jút còn có 4 điểm dừng chân gồm: Buôn văn hóa Ê đê và cầu Sêrêpốk, xã Tâm Thắng; Núi lửa Băng Mo và thác Trinh Nữ, thị trấn Ea T'ling.

dsc_1928(1).jpg
Cầu Sêrêpốk (cầu 14) được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, thuộc điểm dừng dân số 17, tuyến du lịch “Bản giao hưởng của sự đổi thay” của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Đến với buôn văn hóa Ê đê, du khách sẽ được hòa mình vào những nét văn hóa truyền thống của người Ê đê bản địa. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức, khám phá, tìm hiểu văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng của cộng đồng dân tộc Ê đê vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Nét văn hóa ấy được thể hiện rõ nét qua các lễ hội, nghi lễ truyền thống. Đặc biệt, du khách còn được hòa mình vào văn hóa cồng chiêng, múa xoang, hát aray của các chàng trai cô gái Ê đê…

Khám phá núi lửa Băng Mo, du khách còn được trải nghiệm một điểm địa chất tuyệt vời, khám phá những dấu ấn vượt không gian và thời gian của lịch sử kiến tạo địa chất trái đất. Từ điểm dừng chân trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, du khách thấy được không gian của cả một vùng thị trấn bình yên và trù phú...

Khi đến tham quan, khám phá thác Trinh nữ thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, anh Nguyễn Thế Anh đến từ Bình phước cho biết: "Tôi rất ấn tượng trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của thác nước cùng những khối đá bazan hùng vĩ. Các di tích địa chất độc đáo cùng không gian tĩnh lặng mang đến cho tôi cảm giác thư thái, bình yên về vùng đất, con người nơi đây".

dsc_19202(1).jpg
Tại các buôn làng xã Tâm Thắng còn lưu giữ các giá trị di sản, nét đẹp truyền thống đồng bào Ê đê như nhà dài, ẩm thực, trang phục, điệu múa, âm nhạc, nghề truyền thống, lễ hội...

Huy động nhiều nguồn lực phát triển du lịch

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Cư Jút lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, du lịch là một trong 3 mũi đột phá phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu thực tế về phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, UBND huyện lập dự án đầu tư xây dựng với các hạng mục công trình như Xây dựng Trung tâm thông tin CVĐC huyện Cư Jút; biểu tượng CVĐC huyện Cư Jút gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông...

dsc_8855(1).jpg
Đến Cư Jút du khách được thưởng thức, khám phá, tìm hiểu văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng của cộng đồng dân tộc Ê đê qua các lễ hội như Lễ cúng bến nước, Lễ mừng lúa mới, Lễ kết nghĩa anh em...

Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng được phân bổ, Cư Jút đã hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS buôn Nui, xã Tâm Thắng - nơi gắn với điểm du lịch CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Địa phương đã hỗ trợ bảo tồn văn hóa đàn tính, hát then của dân tộc Tày, Nùng tại 4 xã: Nam Dong, Đắk D’rông, Cư K’nia, Ea Pô.

Năm 2023 - 2024, từ nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng, Cư Jút tiếp tục đầu tư điểm đến du lịch thôn Phú Sơn, xã Ea Pô và công trình buôn văn hóa truyền thống gắn với điểm đến du lịch buôn Buôr, xã Tâm thắng.

dsac_1289(1).jpg
Du khách thích thú khám phá, trải nghiệm hành trình đi bộ tại điểm dừng chân số 15, núi lửa Băng Mo, thị trấn Ea T'ling

Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với Sở VH-TT&DL Đắk Nông khảo sát và đề xuất đưa vào quy hoạch các điểm có tiềm năng phát triển du lịch như: Điểm du lịch Suối nước trong và Sở Chỉ huy cơ bản chiến dịch Tây Nguyên ở xã Ea Pô; Làng văn hóa người Dao và chuỗi vườn cây ăn trái ở xã Đắk Wil...

Ngoài ra, toàn huyện có hơn 40 cơ sở lưu trú với trên 350 phòng có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Các loại hình kinh doanh dịch vụ khác cũng bước đầu tạo ra chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Theo ông Y Sim Êban, nghệ nhân ưu tú, người có uy tín buôn Nui, xã Tâm Thắng, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với CVĐCTC. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ê đê được gìn giữ, phát huy. Từ việc làm du lịch cộng đồng cũng góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân và quảng bá được các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS tại địa phương.

Tiếp tục khai thác các giá trị

Tuy nhiên, theo đánh giá của địa phương thì lượng khách đến Cư Jút với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng còn ít; chủ yếu là khách vãng lai, dừng chân trong thời gian ngắn nên việc kinh doanh các dịch vụ du lịch chưa phát huy được hiệu quả.

Để phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Cư Jút đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cư Jút xây dựng kế hoạch dài hạn để biến lợi thế thành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo ra các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, cảnh quan, văn hóa, lịch sử.

dsc_8884(1).jpg
Đến với CVĐC Cư Jút, du khách được hòa mình vào lễ hội, thưởng thức men say đại ngàn dân tộc Ê đê, M'nông

Theo ông Vũ Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, thời gian tới, Cư Jút tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa và cảnh quan. Huyện liên kết chặt chẽ với các địa phương trong và ngoài tỉnh để hình thành tuyến du lịch và các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

PCT Cu Jut

"Để khai thác hết giá trị, tiềm năng của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trong phát triển du lịch, gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào bản địa Ê đê, Cư Jút sẽ bảo vệ nghiêm ngặt các điểm dừng chân đã được xây dựng. Bên cạnh đó, huyện tận dụng tối đa các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, đồng thời xã hội hóa nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển hơn nữa ngành "Công nghiệp không khói" trên vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông", Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Vũ Văn Bính khẳng định.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cư Jút phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO