"Công việc gốc" ở Ðắk Nông

Hoàng Hoài| 23/11/2022 08:25

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Thấm nhuần lời Bác và xác định là mũi đột phá chiến lược, tạo tiền đề, nguồn lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể gánh vác những trọng trách, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, thật sự là “trụ cột” của mỗi địa phương.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Krông Nô quan tâm đến cán bộ trẻ

Tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phát huy năng lực, xung kích, sáng tạo trong công việc, có dịp cọ xát với thực tiễn là giải pháp mà huyện Krông Nô đã và đang triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả.

Sẵn sàng lắng nghe

Tháng 3/2021, anh Trần Thái Châu, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Nô được điều động về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nam Đà. Được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, lại kinh qua nhiều chức vụ trong Đảng và chính quyền nên khi nhận nhiệm vụ mới, anh không còn bỡ ngỡ. Anh Châu cho biết: “Thời gian đầu, tôi dành nhiều thời gian gặp gỡ cán bộ, đảng viên, người dân để nắm bắt tình hình, dư luận xã hội, đồng thời vận dụng những kiến thức có được vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung”.

Để tránh chồng chéo giữa việc Đảng, chính quyền, trong mỗi hoạt động, anh Châu đều phân chia công việc rõ ràng và giao việc cho từng người cụ thể, nhất là huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Để có thể làm tốt hai vai, bên cạnh thực hiện tốt quy chế làm việc, anh xác định phải chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là dám nhìn thẳng vào sự thật và đặt lợi ích của Nhân dân trên hết. Người đứng đầu phải hiểu, đánh giá đúng, kịp thời giải quyết các khúc mắc trong cán bộ, đảng viên, không để âm ỉ, kéo dài.

“Tôi luôn minh bạch giữa công việc và cuộc sống. Có thể ngoài cuộc sống, mọi người là bạn bè, thân quen, vui đùa. Nhưng khi đã bước vào cơ quan thì phân biệt rõ ràng, làm việc nghiêm túc, khoa học, sai ở đâu thì phải nhắc nhở, chỉ ra để khắc phục, không bao che, giấu giếm”, anh Châu chia sẻ.

Ông Trần Thái Châu (bên phải) dù đảm nhận hai vai, bận rộn nhiều việc, nhưng vẫn luôn dành thời gian xuống cơ sở, nắm tình hình người dân

Đối với người dân, anh Châu luôn gần gũi, sẵn sàng lắng nghe mọi lúc, mọi nơi, nhất là các ý kiến góp ý, đánh giá cán bộ, đảng viên, việc làm của mình. Cùng với việc duy trì đều đặn hoạt động đối thoại, tiếp công dân theo định kỳ, hiện nay, vào đầu mỗi quý, anh Châu xuống một thôn để tiếp xúc trực tiếp và tổ chức đối thoại với người dân về các vấn đề của địa phương, nhất là về đất đai, môi trường… Nhờ tìm được tiếng nói chung, nên tình trạng người dân kiến nghị về các vấn đề trên địa bàn giảm đáng kể.

Anh Châu cũng thường xuyên đi cơ sở không báo trước để nắm bắt tình hình dân cư, nhất là những nơi có tin báo của bà con về các vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên. Anh Châu cho biết thêm: “Là một người trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, nên tôi xác định bản thân cần học hỏi nhiều hơn, càng phải gương mẫu, trách nhiệm trong cả công việc và cuộc sống. Học không chỉ thông qua trường lớp mà học ngay từ thực tiễn giải quyết công việc và từ chính cán bộ, người dân xung quanh”.

Tôn trọng dân

Năm 2020, chị Lê Thị Minh, Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Nô được điều động về giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk D’rô. Gắn bó nhiều năm với công tác đoàn, nên khi đảm nhận chức vụ mới, chị Minh phần nào cũng gặp những khó khăn nhất định. Để làm quen với công việc, chị từng bước học hỏi, tập trung nghiên cứu các văn bản của cấp ủy các cấp, để nắm bắt, tham mưu cho Bí thư Đảng ủy xã cũng như triển khai cho các chi bộ.

ADQuảng cáo

Chị thường xuyên xuống cơ sở, gặp gỡ và làm việc một cách trách nhiệm, rõ từng vấn đề người dân quan tâm nên dần dần bà con hiểu và ủng hộ. “Lúc đầu gặp các đảng viên lớn tuổi, quan sát mình rất nhiều từ lời ăn tiếng nói, thái độ ứng xử cho đến xử lý các vấn đề. Sau một thời gian giám sát lời nói, việc làm của mình, các bác dần tin tưởng, rồi thường xuyên góp ý, chỉ cho nhiều bài học kinh nghiệm hay mà khi ở bên tổ chức đoàn chưa hiểu rõ hết”, chị Minh cho biết.

Phát huy sức trẻ, khi được giao bất cứ công việc nào, chị Minh đều cố gắng hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả. Mỗi văn bản cấp trên đưa xuống, chị nghiên cứu, cụ thể hóa hoạt động một cách sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ làm nhất. “Hai năm xuống cơ sở, tôi đã học được nhiều điều và trưởng thành hơn từ suy nghĩ đến hành động. Cán bộ không chỉ lắng nghe mà cần học cách tôn trọng ý kiến của người dân, sâu sát cơ sở và phải đặt mình vào vị trí của bà con khi giải quyết công việc”, chị Minh chia sẻ.

Chị Lê Thị Minh (bên trái) luôn học cách lắng nghe, tôn trọng, đặt mình vào vị trí người dân để xử lý công việc

Trẻ hóa đội ngũ cán bộ

Giai đoạn 2015 - 2021, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy rất quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số. Công tác quy hoạch cán bộ ở các xã, thị trấn được thực hiện khá chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, theo đúng quy trình, tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Hàng năm, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn thực hiện quy hoạch, rà soát, đưa ra khỏi danh sách quy hoạch và quy hoạch bổ sung Ban Chấp hành, BTV và các chức danh chủ chốt.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn và tạo nguồn cán bộ kế cận, BTV Huyện ủy, UBND huyện cử 10 cán bộ, công chức tham gia đào tạo chuyên môn đại học, trung cấp; 233 cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn tham gia đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp đến cao cấp. Cấp ủy các cấp khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian tự học để bảo đảm tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cơ sở. Ngoài ra, toàn huyện có 938 lượt cán bộ, công chức cấp xã tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và thực tiễn...

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ về cơ sở cũng được BTV Huyện ủy chú trọng nhằm tạo cơ hội cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ bổ sung thêm kiến thức, năng lực thực tiễn trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, cán bộ trong quy hoạch có điều kiện phát triển nhanh và toàn diện và giải quyết yêu cầu cán bộ tại một số địa phương; tạo được sự ổn định, nền nếp và những nét mới trong phương pháp, cách thức hoạt động ở cơ sở.

Cụ thể, huyện thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở và từ cơ sở về huyện 30 lượt; trong đó, từ huyện về xã 13 người (gồm 6 bí thư, 2 phó bí thư, 4 chủ tịch UBND và 1 phó chủ tịch UBND), từ xã về huyện 15 người, từ xã sang xã là 2 người.

Điều đáng nói, đội ngũ cán bộ cấp xã đang dần được trẻ hóa, nhiều người trưởng thành từ tổ chức đoàn. Đồng chí Võ Sanh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Nô cho biết: “Mục đích của Huyện ủy là điều động cán bộ về những nơi yếu kém để phát huy vai trò của tuổi trẻ, lãnh đạo, chỉ đạo đưa các phong trào, hoạt động của địa phương đi lên. Hàng năm, qua kiểm điểm chất lượng tổ chức đảng và đảng viên, nếu địa phương còn làm việc cầm chừng, không khắc phục được yếu kém hoặc làm việc thiếu công tâm, trách nhiệm thì sẽ chịu trách nhiệm trước tổ chức”.

>>Kỳ 2: Khi người đứng đầu là "dân ngụ cư" ở Gia Nghĩa

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Công việc gốc" ở Ðắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO