Công văn 1171/CT-TVQT: Hướng dẫn sử dụng ấn chỉ tồn sau sắp xếp tổ chức bộ máy (Hình từ văn bản)
Cục Thuế ban hành Công văn 1171/CT-TVQT ngày 14/5/2025 về việc hướng dẫn sử dụng ấn chỉ tồn sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
Công văn 1171/CT-TVQT: Hướng dẫn sử dụng ấn chỉ tồn sau sắp xếp tổ chức bộ máy
Cục Thuế nhận được Công văn 854/CCTKVI-VP ngày 27/3/2025 của Chi cục Thuế khu vực I về việc xin ý kiến đóng dấu lên ấn chỉ còn tồn sau sắp xếp bộ máy theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Những nội dung vướng mắc này, không chỉ là vướng mắc của CCT Khu vực I mà là vướng mắc chung của các CCT khu vực trên cả nước, do vậy Cục Thuế hướng dẫn sử dụng ấn chỉ tồn sau sắp xếp tổ chức bộ máy đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
(1) Đối với biên lai thuế tồn tại Cơ quan Thuế đã đóng dấu của Cơ quan Thuế trước sắp xếp tổ chức bộ máy:
Tại điểm 12.4 mục I, Phần II, Quy trình quản lý ấn chỉ kèm theo Quyết định 2262/QĐ-TCT ngày 31/12/2020 có quy định:
“12.4. Nhập thu hồi biên lai thuế từ tổ chức, cá nhân thu.
Các trường hợp nhập thu hồi ấn chỉ biên lai thuế từ tổ chức, cá nhân
+ Nhập thu hồi biên lai thuế nguyên quyển để tiếp tục sử dụng (ấn chỉ trong trường hợp này phải là loại còn giá trị sử dụng, nguyên quyển, không bị rách, mối mọt; chưa đóng dấu của tổ chức thu).
+ Nhập thu hồi biên lai thuế nguyên quyển để hủy các loại biên lai thuế không còn giá trị sử dụng hoặc biên lai thuế còn giá trị sử dụng nhưng đã đóng dấu của tổ chức thu.
…”
Căn cứ quy định nêu trên, biên lai thuế còn tồn đã đóng dấu của Cơ quan Thuế trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ thực hiện thanh hủy theo quy định.
(2) Đối với ấn chỉ do Cơ quan Thuế trước sắp xếp tổ chức bộ máy đã cấp/bán cho TCCN còn tồn tại TCCN và ấn chỉ chưa đóng dấu Cơ quan Thuế trước sắp xếp tổ chức bộ máy còn tồn tại Cơ quan Thuế (bao gồm cả ấn chỉ do Tổng cục Thuế cũ, Cục Thuế cũ in ấn)
Tại khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 27; khoản 1, điểm e khoản 3 Điều 39 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 27. Tiêu hủy hoá đơn đặt in mua của cơ quan thuế
1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh có hoá đơn không tiếp tục sử dụng phải thực hiện tiêu huỷ hoá đơn. Thời hạn tiêu huỷ hoá đơn chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế. Trường hợp cơ quan thuế đã thông báo hóa đơn hết giá trị sử dụng (trừ trường hợp thông báo do thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế), doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thì đơn vị phải tiêu hủy hóa đơn, thời hạn tiêu huỷ hoá đơn chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày cơ quan thuế thông bảo hết giá trị sử dụng hoặc từ ngày tìm lại được hoá đơn đã mất.
Các loại hoá đơn đã lập của các đơn vị kế toán được hủy theo quy định của pháp luật về kế toán.
Các loại hoá đơn chưa lập nhưng là vật chứng của các vụ án thì không tiêu hủy mà được xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Tiêu hủy hoá đơn của cơ quan thuế
a) Cơ quan Thuế thực hiện tiêu hủy hóa đơn do Cục Thuế đặt in đã thông báo phát hành chưa bản hoặc chưa cấp nhưng không tiếp tục sử dụng.
Điều 39. Tiêu hủy biên lai
1. Các trường hợp tiêu hủy biên lai
- Biên lai đặt in bị in sai, in trùng, in thừa phải được tiêu hủy trước khi thanh lý hợp đồng đặt in biên lai thu phí, lệ phí.
- Các loại biên lai đã lập của các đơn vị kế toán được tiêu hủy theo quy định của pháp luật về kế toán.
- Tổ chức thu phí, lệ phí có biên lai không tiếp tục sử dụng phải thựcс hiện tiêu hủy biên lai.
Các loại biên lai chưa lập nhưng là vật chứng của các vụ án thì không tiêu hủy mà được xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự, thủ tục tiêu hủy biên lai
e) Cơ quan thuế thực hiện tiêu hủy biên lai do Cục Thuế đặt in đã thông báo phát hành chưa bản nhưng không tiếp tục sử dụng. Tổng cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn quy trình tiêu hủy biên lai do Cục Thuế đặt in”
Tại khoản 1 Điều 2; khoản 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 10; Điều 12; khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước quy định:
“Điều 2. Nguyên tắc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước
1. Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không đế gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Điều 5. Thực hiện thủ tục hành chính
2. Cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn;
b) Không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp; không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp;
c) Thông báo công khai thông tin theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết này.
Điều 10. Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp
1. Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
2. Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
Điều 12. Trách nhiệm công khai thông tin và hướng dẫn thực hiện
1. Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thông báo công khai các nội dung sau đây ngay khi có văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hoặc quy định liên quan đến việc thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình:
a) Các văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, trừ các văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước;
b) Việc thay đổi tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền;
c) Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền;
d) Việc thay đổi cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính;
đ) Việc thay đổi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc công khai các nội dung tại khoản 1 Điều này được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các hình thức phù hợp khác; đồng thời, phải được công khai tập trung trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với thông tin của các cơ quan cấp tỉnh, trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện đổi với thông tin của các cơ quan cấp huyện.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
2. Nghị quyết này được thực hiện đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2027, trừ quy định tại khoản 1 Điều 3, khoản 3 Điều 4 và khoản 3 Điều 11 của Nghị quyết này".
Căn cứ các quy định trên, ấn chỉ còn tồn của cơ quan thuế mà có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì không thuộc trường hợp phải tiêu hủy, hết hạn sử dụng sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan thuế các cấp. Đồng thời, để tiết kiệm, chống lãng phí và để hoạt động cấp/bán biên lai của Cơ quan Thuế được hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt, không gián đoạn công việc; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, Cục Thuế hướng dẫn như sau:
Các loại ấn chỉ đã cấp, bán cho các tổ chức, cá nhân và ấn chỉ tồn tại Cơ quan Thuế các cấp tiếp tục sử dụng theo Nghị quyết 190/2025/QH15, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan Thuế các cấp thực hiện theo dõi, quản lý, sử dụng theo quy định.
Cơ quan Thuế các cấp có trách nhiệm thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của Cơ quan Thuế, tuyên truyền rộng rãi đến người nộp thuế, người dân để người dân, người nộp thuế biết ấn chỉ do Cơ quan Thuế trước sắp xếp tổ chức bộ máy in, phát hành vẫn còn giá trị sử dụng sau ngày sắp xếp tổ chức bộ máy.
Xem thêm tại Công văn 1171/CT-TVQT ban hành ngày 14/5/2025 về việc hướng dẫn sử dụng ấn chỉ tồn sau sắp xếp tổ chức bộ máy.