(Nguồn: CNBC)
Ngày 27/2, Bộ Tài chính Malaysia cho biết Công ty Đầu tư Dầu khí Quốc tế (IPIC) của Tiểu vương quốc Abu Dhabi và đơn vị trực thuộc Aabar Investments PJS đã nhất trí trả 1,8 tỷ USD để giải quyết một tranh chấp pháp lý trong vụ bê bối liên quan Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB).
Năm 2018, chính phủ Malaysia đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao London, yêu cầu xem xét lại thỏa thuận giữa 1MDB và IPIC được thảo luận và ký kết trước đó một năm trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Najib Razak.
Trong đơn khiếu nại, chính phủ Malaysia đã đưa ra các lập luận cáo buộc thỏa thuận giữa ông Razak và IPIC là "gian lận."
Mới đây, Bộ Tài chính Malayisa thông báo các công ty của Abu Dhabi, Quỹ 1MDB và Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia đã đạt được thỏa thuận chung trong quá trình Tòa án Trọng tài Quốc tế và Tòa án Tối cao London xử lý vụ kiện.
Một thông báo do bộ trên công bố cho biết, "với việc đạt được thỏa thuận trên, Malaysia và Abu Dhabi sẽ tiếp tục hợp tác vì sự thịnh vượng và lợi ích kinh tế của cả hai bên trong tương lai."
Theo Clifford Chance LLP, công ty luật đại diện cho IPIC và Aabar, các công ty của Abu Dhabi đã đồng ý trả khoản tiền dàn xếp theo các giai đoạn: 800 triệu USD trong vòng 7 ngày kể từ khi kết thúc thủ tục tố tụng ở London và phần còn lại trong vòng 2 năm sau khi vụ kiện chấm dứt.
1MDB là quỹ đầu tư do cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sáng lập năm 2009, khi ông nắm giữ chức vụ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia này thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Quỹ này là mục tiêu điều tra các cáo buộc tham nhũng và rửa tiền tại ít nhất 6 quốc gia. Năm 2022, cựu Thủ tướng Najib Razak đã bị kết án tù 12 năm với các tội danh lợi dụng quyền hạn, tín nhiệm và rửa tiền liên quan quỹ 1MDB.
Ông thụ án tù tại Kajang kể từ ngày 23/8/2022, trong khi bị xét xử liên quan 4 vụ kiện tham nhũng khác.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng vụ biển thủ công quỹ 1MDB đã gây thất thoát khoảng 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2014./.