Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa đang còn ngổn ngang, chậm tiến độ vì chờ đất đắp. |
Theo số liệu của ngành chức năng, khoảng 50% mỏ đất được quy hoạch lại vướng vào quy hoạch bô-xít; các mỏ đất san lấp còn lại vướng nhiều thủ tục chưa thể thực hiện…
Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Công trình này được khởi công từ cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông là chủ đầu tư, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) là đơn vị thi công. Theo hồ sơ thiết kế, quảng trường cần khoảng 360.000 m3 vật liệu để san lấp mặt bằng.
Trong số này, dự án tự điều phối trong nội bộ công trình khoảng 60.000 m3; số còn lại được tính toán lấy từ các dự án: Dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông, Dự án Trường cao đẳng cộng đồng tỉnh Đắk Nông và Dự án Khu tái định cư Đắk Nur B. Đây đều là những dự án lớn, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.
Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã đưa được hơn 90.000 m3 về để đắp cho quảng trường. So với nhu cầu, dự án vẫn còn thiếu khoảng 210.000 m3 đất.
Thế nhưng, đơn vị chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng đắp đất nền quảng trường để chờ thực hiện các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cấp phép mỏ đất đắp. Từ đó tới nay, chỉ khu vực vùng lõi quảng trường được thi công. Toàn bộ khu vực phụ cận cần đắp mặt bằng đã dừng thi công vì thiếu nguồn đất đắp.
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa cũng đang thiếu khoảng 15.000 m3 đất đắp.
Vào tháng 5/2023, nhà thầu thi công đã khai thác khoảng 50.000 m3 đất để đắp nền đường, nhưng sau đó bị chính quyền địa phương buộc tạm dừng vì xác định nguồn đất khai thác chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sau khi sự việc xảy ra, do thiếu đất để đắp, lu lèn nền đường, Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông cũng ngừng thi công cho đến nay.
Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp là đơn vị đang làm chủ đầu tư nhiều tuyến đường giao thông cần đất đắp lớn. Thời gian tới, mỗi công trình cần khối lượng đất đắp từ 2.000-30.000 m3. Dự án sắp triển khai cần nhiều đất đắp, nhất là Khu tái định cư thôn 11, xã Nhân Cơ ước khoảng 300.000 m3…
Vướng mắc về vật liệu đất đắp cho các công trình ở Đắk Nông hiện nay đang làm cản trở đầu tư công, chậm tiến độ dự án đang triển khai, tạo tâm lý lo ngại đối với việc triển khai các dự án mới, nhất là những địa phương có địa hình chia cắt mạnh, cần nguồn đất đắp lớn cho các dự án. Trước những vướng mắc hiện nay chưa được tháo gỡ, cả chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng đang hết sức lo lắng…
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, từ trước đến nay, Đắk Nông chưa cấp phép mỏ vật liệu làm đất san lấp. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.
Trước tình hình nêu trên, các đơn vị chủ đầu tư chủ động lập hồ sơ thiết kế dự án theo hình thức điều phối đất trong dự án hoặc các dự án với nhau.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện việc điều phối đất ở các dự án khác về dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa vào đầu năm 2023 thì bị cơ quan chức năng buộc dừng; yêu cầu chủ đầu tư phải làm các thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện mới được chở đất từ dự án này sang dự án khác. Từ đó đến nay, nhiều công trình, dự án cần đất đắp bị dừng lại, không thể thực hiện các phần việc tiếp theo.
Theo Quyết định 1757/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì tỉnh Đắk Nông được phê duyệt 112 mỏ vật liệu san lấp. Với tổng diện tích 1.053,57 ha, các mỏ vật liệu san lấp có tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng hơn 79 triệu m3. Trữ lượng khai thác đến năm 2030 là gần 49,4 triệu m3. Trữ lượng dự trữ hơn 29,6 triệu m3.
Quy hoạch được kỳ vọng sẽ phát huy nhiều thế mạnh, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện tại, nhất là giải quyết được vấn đề thiếu mỏ vật liệu là đất san lấp cho các công trình, dự án đầu tư công…
Để thực hiện quy hoạch, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai khảo sát, điều tra, thu thập thông tin, tài liệu về nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp, san lấp mặt bằng để xây dựng công trình. Căn cứ vào kết quả, tỉnh đã chủ động quy hoạch các mỏ đất để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn.
Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế lại không như kỳ vọng, khoảng 50% mỏ đất được quy hoạch lại vướng vào quy hoạch bô-xít, các mỏ đất san lấp còn lại vẫn còn vướng nhiều thủ tục chưa thể thực hiện.
Cụ thể, trước khi quy hoạch tỉnh Đắk Nông được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 866/QĐ-TTg đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030; trong đó, tác động lớn nhất tới Đắk Nông là quy hoạch bô-xít.
Theo tài liệu quy hoạch, bô-xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phân bố trên 5 huyện, 1 thành phố. Vùng quy hoạch bô-xít trải dài, chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Do diện tích quy hoạch bô-xít rộng, với hàng nghìn ki-lô-mét vuông, xen kẽ là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nên trong quá trình thực hiện phần lớn đều vướng.
Theo Quyết định 1757/QĐ-TTg, tỉnh Đắk Nông có 232 mỏ vật liệu xây dựng. Trong số này, có 83 mỏ vật liệu xây dựng thông thường và đất làm vật liệu san lấp nằm xen lẫn trong quy hoạch bô-xít. Nếu không tiến hành khai thác các mỏ này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu tư xây dựng do thiếu hụt nguyên vật liệu tại chỗ.
Riêng đối với đất làm vật liệu san lấp, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông xác định có 51/112 mỏ nằm trong quy hoạch bô-xít. Tổng diện tích các mỏ nằm trong quy hoạch bô-xít là hơn 503 ha và trữ lượng là gần 39,4 triệu m3.
Đắk R’lấp là huyện có diện tích mỏ lớn nhất, trữ lượng lớn nhất và vướng vào quy hoạch bô-xít cũng nhiều nhất. Có 18/19 mỏ đất san lấp nằm hoàn toàn trong quy hoạch bô-xít. Chỉ có duy nhất 1 mỏ ở xã Kiến Thành với diện tích 16,7 ha và trữ lượng hơn 1,25 triệu m3 nằm ngoài quy hoạch bô-xít.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’lấp Trần Công Dũng cho biết, toàn huyện có diện tích tự nhiên 63.580 ha thì có khoảng 40.800 ha nằm trong vùng quy hoạch bô-xít. Quy hoạch bô-xít bao trùm lên các mỏ đất đắp nói riêng và các hoạt động kinh tế-xã hội nói chung. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động tại địa phương.
Thành phố Gia Nghĩa cũng là địa phương có nhiều mỏ vật liệu nằm trong vùng quy hoạch bô-xít với 9/10 mỏ. Chỉ có duy nhất một mỏ ở phường Quảng Thành với diện tích hơn 4 ha, trữ lượng hơn 201 nghìn m3 nằm ngoài quy hoạch bô-xít.
Hiện có 6/8 đơn vị hành chính cấp huyện ở Đắk Nông có mỏ đất vướng quy hoạch bô-xít. Ngoài huyện Đắk R’lấp và thành phố Gia Nghĩa thì huyện Tuy Đức vướng 10/13 mỏ, huyện Đắk Glong vướng 7/10 mỏ, huyện Đắk Song vướng 3/6 mỏ và Đắk Mil vướng 4/12 mỏ.
Hai huyện còn lại là Krông Nô và Cư Jút không có mỏ đất bị vướng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Song Ngô Đức Trọng kiến nghị, các mỏ đất san lấp vướng vào quy hoạch bô-xít sẽ tác động rất lớn đến việc đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn. Những vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ thì mới đáp ứng được nhu cầu đất san lấp cho các dự án triển khai tại địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, trước những vướng mắc về mỏ đất đắp nói riêng và khoáng sản nói chung, tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tháo gỡ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nhưng đến nay cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện đối với các mỏ khoáng sản nằm trong diện tích quy hoạch bô-xít nên những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, hoạt động đầu tư công tại tỉnh tiếp tục bị bế tắc…