Đời sống

“Công thức” thoát nghèo ở vùng khó khăn Quảng Sơn

Thanh Hằng - Mỹ Hằng 07/03/2024 05:20

Năm 2023, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) giảm được 10% số hộ nghèo. Đây là một trong số những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh Đắk Nông.

Từ Dự án giảm nghèo bền vững, năm 2023, gia đình ông Đỗ Văn Trường, bon Phi Glê, xã Quảng Sơn được hỗ trợ 4 con dê sinh sản. Dê nhanh thích ứng với môi trường mới, khỏe mạnh, lớn nhanh nên chỉ sau vài tháng nuôi, đàn dê giống này đã sinh sản được 4 con dê con.

Ông Đỗ Văn Trường cho biết, trước khi biết đến mô hình nuôi dê này, gia đình ông hoàn toàn không có kinh nghiệm. Được hỗ trợ dê giống, một số hộ dân đã thành lập một tổ cộng đồng, chia sẻ nhau những kỹ năng khi chăm sóc vật nuôi. Các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi dê giống, mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình nuôi. “Chúng tôi kết hợp hình thức nuôi nhốt và chăn thả tự nhiên, nên chi phí đầu tư ít, tận dụng được thời gian nông nhàn và đặc biệt là dễ tăng đàn. Nuôi dê hứa hẹn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân”, ông Trường cho biết thêm.

giam-ngheo.jpg
Mô hình nuôi dê đang mang lại hiệu quả cho gia đình ông Đỗ Văn Trường, bon Phi Glê, xã Quảng Sơn

Hiện nay, nguồn vốn từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều hộ dân ở xã Quảng Sơn còn được hỗ trợ để thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm. Bước đầu, các mô hình đã mang lại hiệu quả khi các lứa tằm đều phát triển tốt, mang lại thu nhập khá cho người nuôi.

Là một trong những hộ đang thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm, bà Vương Thị Lành, thôn 1B, xã Quảng Sơn cho biết, khi được chính quyền địa phương xét đưa vào diện hỗ trợ mô hình sinh kế, bà đã đầu tư trồng 5 sào dâu. Đến giữa năm 2023, sau khi có kinh phí, gia đình bà Lành bắt tay vào thực hiện nuôi tằm. Bà Vương Thị Lành cho biết: “Mỗi đợt tôi nuôi khoảng 1 hộp tằm giống, sau khoảng 15 ngày là được thu kén. Được hỗ trợ kinh phí mua sắm nông cụ, cộng với giá kén ổn định từ 180.000-200.000 đồng/kg, gia đình tôi hy vọng sẽ sớm thoát nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm”.

Theo UBND xã Quảng Sơn, trong giai đoạn 2022-2023, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã Quảng Sơn được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm, nuôi dê và nuôi gà thả vườn, với tổng kinh phí khoảng 1,9 tỷ đồng.

Để các mô hình sinh kế phát huy được hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế, ngay từ khi triển khai, các hộ dân sẽ cùng nhau tham gia sinh hoạt chung tại tổ cộng đồng (10 hộ dân/tổ), trong đó có 70% là hộ nghèo, cận nghèo. Trước và trong quá trình chăn nuôi, người dân được tập huấn kỹ thuật nên các mô hình thực hiện đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, trong quá trình nuôi, người dân còn thường xuyên trao đổi cây con giống, chia sẻ kinh nghiệm giúp cây trồng, vật nuôi phát triển. Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm thị trường thì khi có nguồn tiêu thụ tốt, các hộ dân sẵn sàng chia sẻ cho nhau, qua đó giúp cải thiện thu nhập cho các thành viên trong tổ cộng đồng.

Ông Hoàng Thái Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, thông tin: “Nhờ đẩy mạnh đầu tư thực hiện các mô hình và với sự nỗ lực vươn lên của người dân trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của xã Quảng Sơn giảm mạnh từ 19,39% năm 2022 xuống còn 9,39% năm 2023. Trong năm 2024, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Quảng Sơn tiếp tục xây dựng đề án hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi cho các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào DTTS, với tổng kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Xã Quảng Sơn phấn đấu trong năm nay có 250 hộ thoát nghèo và đến năm 2025 sẽ về đích nông thôn mới”.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        “Công thức” thoát nghèo ở vùng khó khăn Quảng Sơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO