Công tác dân vận ở Đắk Nông củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng
Công tác dân vận luôn được toàn hệ thống chính trị và các cấp, ngành tỉnh Đắk Nông quan tâm thực hiện, góp phần củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.
Đổi mới dân vận chính quyền
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và 5 năm thực hiện Kết luận số 43 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, công tác dân vận các cấp, các lĩnh vực, địa phương đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, thực sự góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chính quyền, đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có sự chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giảm dần tình trạng quan liêu, mệnh lệnh hành chính.
HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác giám sát của HĐND các cấp có trọng tâm trọng điểm, tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc được cử tri và Nhân dân quan tâm, phản ánh.
Công tác tiếp xúc cử tri được thực hiện nghiêm túc, trang trọng, dân chủ, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia góp ý xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Từ năm 2013 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp 592 lượt công dân, nhận 1.621 đơn thư; tiếp nhận trên 11.000 ý kiến, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân. HĐND các cấp tổ chức 1.107 buổi tiếp xúc cử tri với khoảng 186.286 lượt người tham gia và 361 cuộc giám sát chuyên đề.
UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải cách hành chính, xây dựng sáng kiến như “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn”; ứng dụng Google Form trong khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức; sử dụng phần mềm Zalo để thông tin, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính. Hiện tại, toàn tỉnh đã tích hợp 437 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, HĐND, UBND các cấp công khai các chính sách xã hội, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất; số điện thoại đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp phản ánh khi bị nhũng nhiễu cũng như các quy định bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Vai trò của người dân tham quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức ngày càng được phát huy.
Các cuộc đối thoại, tiếp công dân được thực hiện thường xuyên, liên tục, thực sự là diễn đàn để cấp ủy, chính quyền lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân.
Hướng về cơ sở
Hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp (CT-XH) thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở, kịp thời nắm tình hình Nhân dân.
Công tác tuyên truyền, vận động tập hợp đoàn viên, hội viên, Nhân dân ngày càng đa dạng và phong phú. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức CT-XH phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực như phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Theo đồng chí Hà Thị Hạnh, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, hiểu được tầm quan trọng của công tác dân vận, nên hệ thống dân vận trong tỉnh đã chủ động, tích cực đổi mới về hình thức, nội dung. Bên cạnh tuyên truyền, vận động, ban dân vận các cấp, MTTQ và các đoàn thể CT-XH còn đồng hành cùng với người dân khó khăn trong bảo đảm an sinh xã hội bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
“Bảo đảm an sinh xã hội, nhất là kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình trong lúc khó khăn, hoạn nạn chính là cách thức vận động, tuyên truyền một cách thiết thực nhất. Từ đó, bà con sẽ hiểu được sự quan tâm của các cấp, ngành đối với người dân, “không ai bị bỏ lại phía sau” để ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của tổ chức đảng, bộ máy chính quyền cũng như cán bộ, đảng viên”, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Thị Hạnh cho biết.
Bên cạnh đó, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức CT-XH từng bước được phát huy. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Công tác nắm bắt tình hình Nhân dân, phát huy vai trò làm cầu nối giữa Đảng và Nhân dân, cũng như chú trọng tuyên truyền, vận động, đổi mới cách thức tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân được chú trọng. Đội ngũ cán bộ dân vận, MTTQ, đoàn thể thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt địa bàn dân cư, nhất là những vùng dân tộc thiểu số, có đạo, điểm nóng để tham mưu cấp ủy cùng cấp kịp thời xử lý.
Thi đua “Dân vận khéo”
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các ngành, cơ quan, đơn vị...
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa, tạo động lực, cổ vũ, động viên Nhân dân hưởng ứng tích cực. Có thể kể đến như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đắk Nông chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Ngày vì người nghèo”; “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Hũ gạo vì người nghèo”...
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có 420 mô hình “Dân vận khéo” của tập thể và 277 mô hình của cá nhân được công nhận. Nhiều mô hình đã được Nhân dân đồng thuận hưởng ứng, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tạo sức lan tỏa và sự đồng thuận trọng xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể tỉnh quý 1/2023, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, công tác dân vận của Đảng luôn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, trong quá trình hoạt động, công tác dân vận phải đi trước một bước, làm một cách khéo léo, cẩn trọng và tham gia vào tất cả các quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương.
Người làm công tác dân vận không phải chỉ lắng nghe từ một phía mà cần lắng nghe đa chiều, từ nhiều nguồn khác nhau để bảo đảm tính chính xác, đúng đắn, khách quan, công tâm trong tham mưu, giải quyết các vụ việc.
(Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể tỉnh quý 1/2023)
Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông
Đối với các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, hệ thống dân vận cần làm một cách khéo léo, hiệu quả, đúng quy định để chuyện lớn thành bé, không để chuyện bé xé ra to. Hệ thống dân vận các cấp cần nắm chắc tình hình dư luận, Nhân dân kịp thời phản ánh, đề xuất tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên, Nhân dân để cấp có thẩm quyền xem xét.