Chính trị

Công tác dân vận chính quyền ở Đắk Nông: Lấy người dân là đối tượng phục vụ

Tuệ An 09/07/2024 07:30

Đắk Nông đã có sự quan tâm đúng mức, gắn công tác dân vận chính quyền với nhiệm vụ chuyên môn. Đây là yếu tố quan trọng để kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, chất lượng phục vụ Nhân dân được nâng lên.

ADQuảng cáo

Đột phá cải cách hành chính

Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt vai trò quan trọng của công tác dân vận chính quyền.

dsc01944.jpg
Công chức, viên chức cấp xã, phường, thị trấn nêu cao trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ được giao

Trong đó, tỉnh đã chọn công tác cải cách hành chính làm khâu đột phá để cán bộ, công chức, viên chức nêu cao trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính được cập nhật vào hệ thống của bộ phận một cửa và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, website của UBND các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức liên hệ giải quyết.

Bà H’Then ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa cho biết: “Khi cần giải quyết các thủ tục liên quan đất đai, đến bộ phận một cửa của TP. Gia Nghĩa, tôi được hướng dẫn các bước thực hiện rất dễ dàng, chu đáo. Cũng như nhiều bà con khác, tôi hài lòng về tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên ở bộ phận một cửa”.

dsc01939.jpg
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, điều hành và thực thi công vụ ngày càng hiệu quả. Qua đó, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giảm dần việc phát hành văn bản giấy.

Chính quyền điện tử, chính quyền số được xây dựng, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, với việc các sở, ban, ngành đã triển khai và kết nối nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh với 10 hệ thống. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công các huyện, thành phố, Cổng dịch vụ công của tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả.

Toàn tỉnh Đắk Nông có 80 trung tâm tiếp nhận thủ tục hành chính công. Các sáng kiến cải cách hành chính như “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn”... được triển khai áp dụng tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, tạo sự đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền.

Để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nộp hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, Trung tâm đã tích hợp 437 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng phần mềm Zalo để thông tin, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính. Trung tâm còn ứng dụng Google Form trong khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, để luôn có sự điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình thực thi công vụ.

Công khai, minh bạch các hoạt động

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp chính quyền chú trọng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, với việc công khai các chính sách xã hội, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất ngày càng minh bạch.

Bên cạnh công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp phản ánh khi bị nhũng nhiễu, các sở, ban, ngành, địa phương luôn công khai các quy định bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.

dsc00797.jpg
Cán bộ, đoàn viên thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) hướng dẫn người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến

Điển hình, mới đây Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải, UBND huyện Tuy Đức... đã công khai đường dây nóng và hòm thư điện tử tiếp nhận các ý kiến phản ánh nhằm ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp của cán bộ, viên chức trong quá trình giải quyết công việc. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính.

Các cơ quan tư pháp thường xuyên làm tốt công tác dân vận, gắn với phòng, chống tham nhũng, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Việc phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam, việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuân thủ đúng thủ tục, khách quan, thận trọng và trách nhiệm, đồng thời giải quyết thỏa đáng các vụ việc. Qua đó, vai trò của người dân tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức ngày càng được phát huy. Người dân tích cực, chủ động tham gia ý kiến về chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

49.jpg
Đồ họa Nguyễn Hiền XB

Đồng chí Lê Văn Chiến, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: “Qua thực tế cho thấy, nơi nào, đơn vị nào mà lãnh đạo quan tâm đúng mức và có những chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể gắn với nhiệm vụ chuyên môn thì ở nơi đó sẽ thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền. Chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận của chính quyền không những phải gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân mà còn gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần, thái độ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân””.

49(1).jpg
ĐH: NH

Theo đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả đạt được, một điều cần phải nhìn nhận rõ, đó là công tác dân vận ở một số cơ quan, đơn vị và cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, cùng với việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần tăng cường đi cơ sở, bám sát địa bàn để gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân khi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác dân vận chính quyền ở Đắk Nông: Lấy người dân là đối tượng phục vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO