Tu Mơ Rông là vùng trồng dược liệu trọng điểm của tỉnh Kon Tum, toàn huyện hiện có trên 2.300 ha sâm Ngọc Linh; trong đó, người dân tự trồng khoảng 80ha, còn lại là diện tích của các công ty, doanh nghiệp. Nhờ cây sâm Ngọc Linh, nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
Thấu hiểu được những giá trị mà cây sâm Ngọc Linh mang lại, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông luôn dày công vun trồng, chăm sóc. Cây sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng nguyên sinh, nơi có độ cao từ 1.500m trở lên so với mực nước biển. Những cánh rừng nguyên sinh giúp nhiệt độ, độ ẩm luôn ở mức ổn định. Do đó cây sâm Ngọc Linh có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn xảy ra đã làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây sâm Ngọc Linh. Không đành lòng nhìn những cây sâm Ngọc Linh bị thiếu nước, đồng bào Xơ Đăng đã đem can nhựa ra khe suối hứng nước rồi cõng lên rừng tưới cho cây sâm Ngọc Linh.
Ông A Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Vài năm trở lại đây, thời tiết khô hạn hơn, từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là mùa hạn, đất khô cằn. Đây là thời điểm cây sâm thiếu nước nên phải tưới để đảm bảo độ ẩm. Đối với từng khu vực sẽ có phương án tưới nước khác nhau. Những khu vực gần sông suối thì tưới nước khoảng mỗi tháng một lần. Riêng những khu vực có cây phân tán, đất khô cằn thì cần tưới nhiều nước hơn, mỗi tuần tưới từ 1 đến 2 lần. Lượng nước tưới phải vừa đủ, không ít quá cũng không nhiều quá. Nếu tưới đẫm, cây sâm Ngọc Linh có thể bị úng nước.
Anh A Liêm ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Năm vừa rồi gia đình nhận được 40 cây sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng và đã tham gia trồng tập trung cùng với các hộ dân khác. Thời tiết năm nay khô hạn nên mọi người cùng nhau cõng nước để tưới sâm. Dù vất vả những luôn quyết tâm để cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt, sau này giúp gia đình thoát nghèo.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, những năm gần đây đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm và xem cây sâm Ngọc Linh chính là loại cây trồng giúp vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chính vì thế, ngoài việc cõng nước tưới sâm, một số hộ dân còn đầu tư mua ống nhựa để dẫn nước, lắp đặt hệ thống tưới phun sương đảm bảo cho cây sâm Ngọc Linh phát triển ổn định vào mùa khô. Việc tưới nước cũng được người dân thực hiện hết sức kỹ càng, trước khi tưới, người dân sẽ kiểm tra kỹ độ ẩm của đất. Điều này sẽ giúp kiểm soát nước tưới, tránh tình trạng tưới nhiều làm úng cây. Khi tưới, cần tưới nhẹ, tưới phun sương để tránh làm gãy thân, trôi gốc cây sâm Ngọc Linh. Nguồn nước tưới được dẫn từ các khe suối trong những cánh rừng già.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để giúp bà con trồng sâm Ngọc Linh đạt hiệu quả cao, tránh bị chết do thiếu nước mùa khô, huyện đã cử cán bộ hướng dẫn người dân cách tưới phù hợp và làm mái che nắng. Định kỳ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ đi kiểm tra vườn sâm Ngọc Linh của bà con để có phương án tư vấn cho bà con cách phòng bệnh cho cây sâm Ngọc Linh.