Công nghiệp khai khoáng Đắk Nông và những mục tiêu lớn
Công nghiệp khai khoáng đã khẳng định vị trí hàng đầu trong phát triển kinh tế Đắk Nông và tỉnh đặt ra nhiều kế hoạch, mục tiêu lớn ở lĩnh vực này.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông lấy phát triển công nghiệp khai thác bô xít – chế biến alumin – luyện nhôm làm một trong ba đột phá phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương cho biết, bám sát quy hoạch, Đắk Nông sẽ tập trung đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất alumin trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bô xít, tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị bô xít - alumin – nhôm.
Tỉnh đầu tư, nâng cao công suất của Nhà máy alumin Nhân Cơ trong giai đoạn tới. Đồng thời, tỉnh hoàn thiện hạ tầng, giải quyết các thủ tục liên quan, đưa dự án sản xuất nhôm của Công ty Trần Hồng Quân đi vào vận hành, để sớm có sản phẩm nhôm và các sản phẩm sau nhôm.
Hiện nay tỉnh tập trung hoàn tất hồ sơ, thủ tục và đưa các tổ hợp dự án bô xít – alumin - nhôm mới và các dự án liên quan khác đi vào hoạt động. Tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất nhôm và sản phẩm sau nhôm.
Những bước đi này sẽ từng bước đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia, trung tâm luyện kim màu lớn nhất nước.
Giai đoạn 2021- 2030, Đắk Nông phấn đấu hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào sản xuất Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông, với công suất 0,3 triệu tấn nhôm kim loại/năm. Trong đó, nhà máy sử dụng alumin của các nhà máy trong khu vực.
Đến năm 2030, nhà máy sẽ mở rộng nâng công suất lên 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Tỉnh kêu gọi đầu tư mới 1-2 dự án sản xuất nhôm kim loại. Vị trí cụ thể do nhà đầu tư quyết định. Tổng công suất dự kiến sẽ từ 1,2 - 1,5 triệu tấn nhôm thỏi/năm.
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương. Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, trở thành trung tâm luyện kim lớn nhất cả nước.
Hiện nay, Đắk Nông đang kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn vào khảo sát, nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án bô xít – alumin – nhôm và chế biến sâu các sản phẩm từ nhôm.
Đơn cử như, Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH... Ngoài ra còn có dự án khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty Cổ phần Wolfram Đắk Nông.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, Đắk Nông có trữ lượng quặng bô xít và quặng wolfram rất lớn. Ngoài các dự án đã được cấp phép, Đắk Nông còn có 18 khu vực mỏ khoáng sản được cấp mới để thu hút các dự án vào đầu tư.
Cũng theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út, quy hoạch tỉnh được phê duyệt giúp Đắk Nông thuận lợi hơn trong việc kêu gọi, thu hút nhà đầu tư lớn vào triển khai các dự án về khai thác cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Đắk Nông sẽ chú trọng việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án khoáng sản có đủ năng lực để thực hiện đồng bộ các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, hiệu quả cao…
Đắk Nông có 232 mỏ khoáng sản, với diện tích hơn 2.876ha được phê duyệt trong quy hoạch tỉnh. Tổng trữ lượng tài nguyên khoáng sản dự báo trên 239 triệu m3, trong đó trữ lượng khai thác tới năm 2030 là hơn 116 triệu m3.