Công nghiệp - Xây dựng

Công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và năng lượng tái tạo: Trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông

Trung Chuyên 01/10/2024 11:14

Với tài nguyên thiên nhiên ưu đãi về khoáng sản, nhất là bô xít; cùng tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, những lợi thế này được kỳ vọng là trụ cột đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông- Ảnh 1.
Khai thác bô xít ở Đắk Nông

Phấn đấu thành trung tâm luyện kim lớn nhất cả nước

Đắk Nông là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, với 218 mỏ và điểm mỏ, gồm 16 loại khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Trong đó, trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước, ước khoảng 5,4 tỉ tấn. Phần lớn quặng bô xít đều nằm ở độ cao trên mực nước ngầm, nước mặt và lộ thiên nên rất thuận lợi cho việc khai thác.

Theo Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 thì bô xít trên địa bàn Đắk Nông được quy hoạch thành 13 khu vực mỏ, với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 1,436 tỉ tấn tinh quặng, tương đương 3,425 tỉ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%. Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tiến hành thăm dò tại 7 khu vực mỏ và đã được Hội đồng trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định, phê duyệt với tổng diện tích đã thăm dò là 1.605 km2; chiếm 24,6% so với diện tích toàn tỉnh, tổng trữ lượng và tài nguyên quặng tinh đã được phê duyệt gần 993 triệu tấn. Dự án nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư với công suất 650.000 tấn alumina/năm được xây dựng từ tháng 2/2010 và là một trong hai dự án thí điểm có quy mô lớn.

Trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông- Ảnh 2.
Toàn cảnh nhà máy alumin Nhân Cơ

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương. Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, trở thành trung tâm luyện kim lớn nhất cả nước. Tại cuộc làm việc hồi tháng 8/2023 giữa Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và TKV, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, khẳng định: "Tỉnh muốn đột phá phát triển chỉ có bô xít. Do đó, địa phương sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc biệt cho việc phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm tại Đắk Nông".

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững vùng Tây nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm và sau nhôm của quốc gia; trung tâm năng lượng tái tạo của vùng; trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.

Trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông- Ảnh 3.
Sản phẩm alumin sản xuất tại nhà máy alumin Nhân Cơ - Đắk Nông

Vào tháng 4/2024, TKV đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về việc triển khai các dự án bô xít trên địa bàn tỉnh. Theo đề án "Phát triển tổng thể lĩnh vực bô xít - alumin - nhôm của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, TKV sẽ đầu tư mở rộng nâng công suất tổ hợp alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn alumin/năm; đầu tư mới tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Nông 2 có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và 0,5 - 1 triệu tấn nhôm/năm. TKV cũng sẽ thực hiện 2 đề án thăm dò và 5 dự án bô xít- alumin - nhôm với tổng mức đầu tư dự kiến trên 182.000 tỉ đồng. Để chuẩn bị cho việc triển khai các dự án sắp tới tại Đắk Nông, TKV đã xây dựng các phương án nguồn lực về vốn đầu tư; dành gần 1.000 tỉ đồng thăm dò các mỏ bô xít, đáp ứng triển khai các dự án alumin - nhôm trên địa bàn tỉnh…

Trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông- Ảnh 4.
Một dự án điện mặt trời Cư Jút (Đắk Nông) đã đi vào hoạt động

Cơ hội lớn phát triển năng lượng tái tạo

Bên cạnh khoáng sản bô xít, Đắk Nông còn có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Theo dự thảo báo cáo Quy hoạch điện VIII của Viện Năng lượng, Đắk Nông có tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mặt đất là 59.010 MW, điện gió 6.318 MW (tốc độ gió 2,5 - 6 m/giây), điện sinh khối 116 MW… Đến nay, Đắk Nông đưa vào vận hành 2 dự án điện mặt trời, tổng công suất 106 MWp (điện mặt trời Cư Jút, Trúc Sơn), 1 dự án điện gió, công suất 50 MW (điện gió Đắk Hòa). Tỉnh đã đề xuất bổ sung quy hoạch 10 dự án điện mặt trời công suất 872 MWp và 14 dự án điện gió với tổng công suất 1.004 MW. Ngoài ra, có 22 nhà máy thủy điện đang vận hành với tổng công suất 1.640 MW…

Trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông- Ảnh 5.
Điện gió ở Đắk Nông có nhiều tiềm năng phát triển

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên có được, tỉnh Đắk Nông xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp alumin, luyện nhôm; đồng thời tập trung mở rộng quy mô, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch kinh tế so với các địa phương khác trong khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước. Cùng với việc chủ động đề xuất, tiếp cận các chính sách phát triển kinh tế mới của Trung ương, tỉnh cũng thực hiện chủ trương khai thác nguồn lực ngoài nhà nước bằng cách các chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược, tiềm lực tài chính mạnh vào đầu tư các dự án lớn, có hiệu quả về kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo thanhnien.vn
https://thanhnien.vn/tru-cot-phat-trien-kinh-te-cua-dak-nong-185240930151536768.htm
Copy Link
https://thanhnien.vn/tru-cot-phat-trien-kinh-te-cua-dak-nong-185240930151536768.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và năng lượng tái tạo: Trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO