Công nghiệp Ðắk Nông dần khẳng định vị thế trụ cột

Lê Dung| 02/01/2023 04:52

Cùng với việc xác định đúng tiềm năng, thế mạnh và vượt qua những khó khăn, thử thách, ngành Công nghiệp đang từng bước khẳng định là một trong 3 trụ cột trong phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Trong năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá hoạt động ổn định hơn so với năm trước. Trong đó, một số nhà máy sản xuất các sản phẩm về: cồn, tinh bột sắn, cao su, chế biến hạt điều, thủy điện, điện mặt trời, điện gió... đã trở lại vận hành tối đa công suất.

Đáng chú ý là trong tháng 6/2022, nhà máy chế biến cà phê có công suất 20.000 tấn nhân/năm và 1.500 tấn cà phê bột/năm của Công ty TNHH Huy Hiển Đắk Mil (Đắk Mil) đi vào hoạt động giai đoạn 1. Đây là điểm nhấn quan trọng đối với ngành cà phê của Đắk Nông.

Dự kiến đầu năm 2023, Nhà máy điện gió Nam Bình 1 (công suất 30MW) và Nhà máy thủy điện Nam Long (công suất 9MW) cũng sẽ đi vào vận hành. Nhà máy không chỉ cung cấp nguồn điện sản xuất mà còn đóng góp vào ngân sách khá lớn.

Ngoài ra, ngành Công nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đang hoạt động hiệu quả trong năm 2022. Điều này đáp ứng ngày càng tốt về nhu cầu vật liệu xây dựng của Đắk Nông.

Hoạt động của Nhà máy Alumin ổn định, đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Công nghiệp Đắk Nông

Đặc biệt, hoạt động sản xuất, tiêu thụ tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp) vẫn giữ vững được sự ổn định. Doanh thu khoáng sản năm 2022 của doanh nghiệp đạt trên 3.509 tỷ đồng, đạt gần 128% kế hoạch, gần bằng 120% so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Bá Phong, Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, năm 2022, Công ty đã có sự nỗ lực vượt bậc để vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trong sản xuất.

Năm 2023, Công ty sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp điều hành sản xuất. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là việc bảo đảm các điều kiện về nguyên, nhiên liệu đầu vào cho nhà máy.

Tiếp đến là các giải pháp giúp giảm các chỉ tiêu tiêu hao; đồng thời, thực hiện tự động hóa các dây chuyền, công đoạn, áp dụng công nghệ 4.0 để nhà máy sản xuất ngày càng ổn định, phát triển.

Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp Ðắk Nông năm 2022 tăng 11% so với năm 2021. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng so với năm trước như: đá xây dựng các loại đạt 1.150 ngàn m3, tăng 3,6%; cồn công nghiệp đạt 14.500 tấn, tăng 2,3%; cà phê bột đạt 1.890 tấn, tăng 11,2%; tinh bột sắn đạt 30.000 tấn, tăng 12%; điện thương phẩm đạt 812 triệu kWh, tăng 10,8%; điện sản xuất đạt 2.550 triệu kWh, tăng 24,4%...
Các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất

Cơ chế, chính sách phát triển phù hợp

ADQuảng cáo

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu đưa Đắk Nông “Trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.

Cụ thể hóa mục tiêu này, ngành Công thương tỉnh Đắk Nông đang triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch Phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch thực hiện với định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp; sớm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp. Trong đó, tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến nông - lâm sản.

Giai đoạn 2021 – 2025, Ðắk Nông phấn đấu, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%/năm; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,04%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 24,93%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%.

Cụ thể, các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản sẽ được thúc đẩy tăng trưởng với tốc độ gia tăng giá trị qua chế biến đạt từ 7 - 8%/năm; công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin, nhôm tăng 46,46%; điện sản xuất tăng 13,32%/năm, điện thương phẩm tăng 36,5%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP vào năm 2025 chiếm 16,74%.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, Đắk Nông sẽ đưa tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP đạt 23%. Một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế sẽ được xây dựng.

Đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu tốc độ gia tăng giá trị nông sản qua chế biến đạt từ 7 - 8%/năm

Tỉnh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp để góp phần tăng thu ngân sách. Từ đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030, ngành Công nghiệp của tỉnh thuộc nhóm phát triển mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - nhôm của Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương cho hay, để ngành Công nghiệp phát triển, giữ vị trí dẫn đầu trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, ngành sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp.

Trong đó sẽ tập trung vào chính sách ưu đãi như miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, thuế… Đây là cơ sở để khuyến khích thu hút các dự án phát triển công nghiệp bô xít - alumin – nhôm, năng lượng tái tạo và các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh.

Ngành Công thương sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình, thủ tục đầu tư theo hướng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Cụ thể, sẽ rút ngắn hơn nữa về thời gian giải quyết thủ tục đầu tư và gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu.

“Đặc biệt là Đắk Nông sẽ từng bước xây dựng được cụm liên kết phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm; đồng thời, phát triển cụm liên kết sản xuất - chế biến, chế biến sâu, tiêu thụ nông sản của tỉnh. Từ đó, giúp thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có năng lực để dẫn dắt chuỗi liên kết thông suốt, hiệu quả”, ông Út nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp Ðắk Nông dần khẳng định vị thế trụ cột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO