Công khai, minh bạch trong thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công

Thanh Hằng thực hiện| 18/07/2022 05:56

Từ 1/7/2021, Pháp lệnh ưu đãi người có công (UĐNCC) với cách mạng năm 2020 chính thức có hiệu lực. Pháp lệnh này có nhiều điểm mới hướng đến việc nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng đối tượng hưởng các chế độ UĐNCC. Phóng viên Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH về kết quả sau một năm triển khai pháp lệnh.

PV: Từ khi Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 (gọi tắt là Pháp lệnh 02) có hiệu lực, UBND tỉnh Đắk Nông và Sở LĐTB-XH đã triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Hoàng Viết Nam: Ngay khi Pháp lệnh 02 chính thức có hiệu lực và đặc biệt khi Chính phủ ban hành Nghị định số 75 ngày 24/7/2021 và Nghị định số 131 ngày 30/12/2021 hướng dẫn thi hành pháp lệnh, Sở LĐTB-XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.

Trong đó, ngày 10/2/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1108 việc triển khai thực hiện Nghị định số 131 của Chính phủ. Bên cạnh đó, để tạo sự thống nhất và đồng bộ giữa các địa phương, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính về lĩnh vực UĐNCC với cách mạng theo quy định mới. Đắk Nông cũng đã ban hành quyết định Kiện toàn Ban Quản lý Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh và xây dựng quy chế quản lý sử dụng quỹ theo đúng quy định.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện chế độ Bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác (chính sách sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh mới); Giải quyết hưởng thêm chế độ đối với thương binh, đồng thời là bệnh binh, đối tượng mất sức lao động đối với 10 trường hợp.

Đồ hoạ: Thanh Hằng

PV: Một năm sau khi Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 có hiệu lực, ông có thể đánh giá chung về đời sống của người có công của tỉnh Đắk Nông?

Ông Hoàng Viết Nam: Nhìn chung, đời sống người có công với cách mạng toàn tỉnh cơ bản ổn định, với mức trợ cấp, phụ cấp cũng giải quyết được một phần khó khăn trong cuộc sống; đa số người có công với cách mạng có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống người dân nơi cư trú.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021, toàn tỉnh có 54 hộ gia đình chính sách có công thuộc diện hộ nghèo, 41 hộ gia đình chính sách thuộc hộ cận nghèo.

Từ những kết quả đạt được, ngành LĐTB-XH tiếp tục đặt mục tiêu triển khai hiệu quả Pháp lệnh 02, phấn đấu 100% người có công với cách mạng được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi và sự chăm sóc của Nhân dân; đề nghị các địa phương đề xuất giải pháp giảm nghèo đối với hộ người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2023 không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

PV: Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách UĐNCC tại cơ sở, ngành LĐTB-XH gặp những khó khăn, vướng mắc nào?

Ông Hoàng Viết Nam: Pháp lệnh 02 mới ban hành cơ bản đã giải quyết được nhiều vướng mắc, bổ sung một số chính sách mới. Ngay sau đó, Chính phủ còn ban hành Nghị định 131 nên đã có sự phân công rõ ràng, chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thực tiễn tại địa phương vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhất định.

Có thể nhận thấy rõ nhất là một số chính sách khác vẫn chưa được các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện để bảo đảm các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được triển khai đồng bộ. Mức trợ cấp UĐNCC với cách mạng được điều chỉnh tăng nhưng  vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người có công với cách mạng và thân nhân.

PV: Từ những khó khăn trong quá trình triển khai, ngành LĐTB-XH sẽ kiến nghị gì để thực hiện có hiệu quả, công khai, minh bạch Pháp lệnh 02?

Ông Hoàng Viết Nam: Như đã nói ở trên, trong quá trình triển khai tại cơ sở, chúng tôi gặp phải một số khó khăn nhất định. Chính vì thế để thực hiện tốt Pháp lệnh 02, bảo đảm công khai, minh bạch và ý nghĩa, ngành LĐTB-XH sẽ tăng cường việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được tăng cường để ngăn ngừa, xử lý những sai sót, tiêu cực. Qua đó, tăng niềm tin, sự tôn vinh, lòng biết ơn của xã hội đối với người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, ngành LĐTB-XH cũng đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa...  nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công.

Với những đặc thù riêng của địa phương, chúng tôi kiến nghị Bộ LĐTB-XH tham mưu, đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, đồng bộ giữa các địa phương trên toàn quốc; hoàn thành Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, cụ thể là xác định bằng phương pháp giám định ADN…

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn !

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/cong-khai-minh-bach-trong-thuc-hien-phap-lenh-uu-dai-nguoi-co-cong-94066.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/cong-khai-minh-bach-trong-thuc-hien-phap-lenh-uu-dai-nguoi-co-cong-94066.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Công khai, minh bạch trong thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO