Hành trình gian nan
Hơn 1 giờ sáng, trong cái lạnh của những ngày cuối năm như cắt thấu vào da thịt, chị Lê Thị Thanh, ở thôn 3, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) lại bắt đầu cuộc hành trình mới. Hành trang của chị là một chiếc xe máy cũ kỹ, hai cái sọt chứa đủ các loại hàng hóa từ rau, cá, thịt đến các loại bánh kẹo…
Đoạn đường đi từ chợ thị trấn Kiến Đức (điểm lấy hàng) đến xã Đắk Ngo kể ra cũng gần 80 km, nhưng hiếm khi thấy chị “lỡ hẹn” với bà con.
![]() |
Trên chiếc xe máy cũ kỹ, ngày ngày, anh Thôn vẫn miệt mài “cõng” hàng hóa, nhu yếu phẩm về với bà con xã Đắk Ngo |
Chị Thanh chia sẻ: “Bây giờ, đường đi lại khá hoàn thiện nên đỡ vất vả rồi. Chứ hơn 10 năm trước, khi vợ chồng tôi bắt đầu gắn bó với cái nghề này thì cực không kể xiết. Ngày đó, chưa có con đường trải nhựa như bây giờ, muốn đưa hàng lên kịp cho bà con, vợ chồng tôi phải đi từ buổi chiều của ngày hôm trước. Ngay cả khi trời nắng, vượt những cung đường này không phải là chuyện đơn giản, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng để kịp đem hàng phục vụ bà con”.
Cũng giống như chị Thanh, đối với anh Trịnh Văn Thôn, ở thôn 9, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) thì việc phải dậy từ rất sớm và trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối đã trở thành thông lệ. Để kịp giao hàng cho bà con, hàng ngày, cứ hơn 2 giờ sáng, anh chạy xe ra thị trấn Kiến Đức lấy hàng và đến 5 giờ đã có mặt ở xã Đắk Ngo.
Anh Thôn vui vẻ tiếp chuyện: “Phần lớn con đường dẫn đến các thôn, bản ở xã Đắk Ngo đã xuống cấp. Thế nên, anh, chị em làm nghề bán hàng thường phải thạo nghề... sửa xe. Trước đây, mỗi lần thủng săm, tôi phải dắt bộ cả chục cây số, khi tìm thấy quán thì đã quá trưa, thực phẩm chẳng ai mua, đành bấm bụng chịu lỗ. Sau mấy lần như vậy, tôi đã học cách vá săm, mua các dụng cụ sửa xe mang theo để đề phòng”. Dứt lời, anh Thôn lại cho chiếc xe nổ máy hòa vào “đội quân” bán hàng để tiếp tục cuộc hành trình.
Gần 6 giờ sáng, khi con đường còn phủ hơi sương, tất cả các thành viên của “đội quân” bán hàng lưu động hơn 10 người đã có mặt ở trung tâm xã Đắk Ngo. Người thì chạy xe khắp các thôn, bản bán rong; người lại tập kết hàng vào các sạp nhỏ đã được dựng sẵn.
Ở đây, người dân đi làm rẫy từ rất sớm nên vào giờ này là thời điểm bà con đến mua hàng đông nhất. Người lớn thì mua cá, thịt, rau, còn trẻ em lại theo mẹ đòi bằng được nào bánh, nào kẹo… Vào giữa tháng Chạp là bà con đã đua nhau đặt hàng tết, người thì mấy cân thịt, vài bao nếp, hay những đòn chả, bánh kẹo, mứt...
Những ngày giáp tết, hàng hóa bán rất nhiều, phải vận chuyển gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nếu không bỏ ngay từ giờ thì cận tết, bà con cần hàng nhiều, dù cố gắng cũng “ôm” không xuể.
“Cái duyên” không nỡ bỏ
Hơn cả chục năm gắn bó, tuy vất vả, nhọc nhằn, nhưng những người làm nghề bán hàng lưu động vẫn gắn bó với “nghề”. Bởi, nó không chỉ là “cái duyên” đã đeo bám như họ thường nói đùa với nhau, mà còn ở tấm lòng chất phác của đồng bào nơi đây dành cho họ.
Chị Thanh chia sẻ: “Cuộc sống của đồng bào còn nhiều vất vả lắm, nên ngoài chuyện mưu sinh, chúng tôi cũng cố gắng bám “nghề”, san sẻ với bà con ít nhiều. Mỗi chuyến hàng chúng tôi đem lên có khi chưa thu được tiền về, mà phải cho bà con nợ theo kiểu gối đầu”.
Chị Đinh Thị Sương, “đồng nghiệp” của chị Thanh lại bộc bạch: “”Nghề" này vất vả, nhưng cũng vui lắm. Khi mới đi mấy chuyến đầu, tôi kiệt sức, tưởng như không thể cố gắng thêm được nữa. Thế mà, đi miết rồi cũng quen, giờ thì một ngày không vào đây bán hàng là bồn chồn chẳng yên. Mỗi lần ốm, lại lo, chẳng biết hôm nay bà con mua hàng ở đâu, có chờ mình mà lỡ mất công việc không...”.
Trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, đường sá xa xôi, phương tiện lại thiếu thốn thì mỗi sạp hàng lưu động, hay chỉ đơn giản là vài gánh hàng rong cũng đủ làm ấm lòng, giúp người dân vùng xa có thêm nguồn hàng hóa cần thiết, yên tâm lao động.
Chị Vân Thị Thiến, ở thôn Đoàn Kết cho hay: “Còn nhớ, những năm trước, đến tận giáp tết, người dân chúng tôi phải vượt đồi “cõng” từng gùi gạo, gùi bánh mứt mang về nhà. Nhưng bây giờ, hàng ngày, có đủ tất cả các loại hàng hóa được mang vào xã nên chúng tôi không còn phải vất vả vượt đồi “tìm tết” nữa”.
Còn chị H’lây, ở bản Tân Lập cũng phấn chấn: “Bây giờ, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi nhiều, nhu cầu được nâng cao, nên việc có những sạp hàng lưu động như thế này cũng giúp ích rất nhiều. Có những ngày, tôi không đủ tiền để mua thức ăn, các anh, chị bán hàng sẵn sàng cho nợ trả sau nên rất an lòng”.
Có thể nói, dù số lượng hoàng hóa chưa nhiều, nhưng mỗi chuyến hàng lưu động vẫn luôn được đồng bào xã Đắk Ngo háo hức chờ đợi. Và với không ít gia đình, những chuyến xe này còn là dấu hiệu báo tết đã đến gần.