Công điện 65: Bổ sung chế tài xử lý nghệ sĩ và người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật theo yêu cầu của Thủ tướng

16/05/2025 13:52

Tại Công điện 65/CĐ-TTg năm 2025, Thủ tướng đã yêu cầu bổ sung chế tài xử lý nghệ sĩ và người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.

Công điện 65: Bổ sung chế tài xử lý nghệ sĩ và người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật theo yêu cầu của Thủ tướng

Công điện 65: Bổ sung chế tài xử lý nghệ sĩ và người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật theo yêu cầu của Thủ tướng (Hình từ internet)

Ngày 13/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm toàn quốc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bổ sung chế tài xử lý nghệ sĩ và người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật theo yêu cầu của Thủ tướng

Theo đó nội dung tại Công điện 65/CĐ-TTg năm 2025 thì tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và lòng tin của Nhân dân, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5/2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.

-  Bộ Công an mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5/2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.

- Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về sở hữu trí tuệ để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, nhất là trên môi trường số, thương mại điện tử, hoàn thiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố, quảng cáo sai sự thật.

- Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Từ kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục; hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử, nhất là Luật Thương mại điện tử.

- Bộ Y tế tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Xem thêm tại Công điện 65/CĐ-TTg ngày 13/5/2025.

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật hiện nay

Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định.

Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì bị phạt gấp đôi.

Ngoài bị phạt tiền, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm quy định trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

Đồng thời, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và buộc cải chính thông tin quảng cáo sai sự thật.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Công điện 65: Bổ sung chế tài xử lý nghệ sĩ và người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật theo yêu cầu của Thủ tướng
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO