Ảnh: UNICEF |
Có hiệu lực vào năm 2008, Công ước về Quyền của người khuyết tật đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tất cả mọi người được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con người. Kể từ đó, Hội nghị các quốc gia tham gia Công ước về Quyền của người khuyết tật (COSP) được tổ chức hằng năm, giám sát thực thi hiệp ước mang tính bước ngoặt đã được 191 quốc gia thành viên Liên hợp quốc ký kết. Là cuộc họp toàn cầu lớn nhất tập trung vào quyền của người khuyết tật, COSP bảo đảm các quốc gia “giữ lời hứa” về quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.
Khi mà thế giới đang dành nhiều quan tâm cho những điểm nóng xung đột và trí tuệ nhân tạo (AI), COSP17 cũng được thiết kế để không nằm ngoài guồng quay, với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề về khủng hoảng nhân đạo, thảm họa khí hậu, cũng như những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực việc làm, công nghệ mới. Báo cáo về những câu chuyện thành công, cùng những thách thức, các bên đề xuất giải pháp xóa bỏ những rào cản còn lại để người khuyết tật được hưởng đầy đủ mọi quyền con người.
Điều gì xảy ra khi bạn không thể nghe thấy tiếng bom trong vùng chiến sự, hoặc không thể di chuyển xe lăn để sơ tán khỏi lũ lụt? Câu hỏi đó bắt đầu cho những thảo luận về các trường hợp khẩn cấp nhân đạo. Dù không muốn, nhiều đại biểu phải thừa nhận, trong các tình huống đầy rủi ro, chẳng hạn xung đột vũ trang, thiên tai và thảm họa do khí hậu, những người khuyết tật thường bị “bỏ lại bên lề” khi lập kế hoạch cho các nỗ lực chuẩn bị, ứng phó và phục hồi.
Thật vậy, trong tuyên bố chung về khủng hoảng hiện tại ở Dải Gaza, các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo, những người khuyết tật có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, suy dinh dưỡng và tử vong cao hơn, và mối nguy này ngày càng hiện hữu khi cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza sụp đổ. Trong bối cảnh đó, COSP17 tập trung vào nỗ lực mới để triển khai hiệu quả hơn giải pháp hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương do thảm họa xung đột, khí hậu.
Với người khuyết tật, công việc thật sự quan trọng, giúp họ hòa nhập xã hội. Thực tế, nhận được hỗ trợ, những người mang khiếm khuyết vẫn gặp trở ngại khi tham gia thị trường việc làm. Luật mới được ban hành, cùng mạng lưới hỗ trợ người khuyết tật được thành lập ở nhiều quốc gia, song tại chính những nước đó, nhiều vấn đề vẫn tồn tại. Báo cáo toàn cầu hiện nay vẫn cho thấy tiến triển không đồng đều về việc làm cho người khuyết tật. Đó là lý do COSP17 đề xuất một loạt giải pháp dựa trên những nỗ lực đã được kiểm chứng, nhằm giúp người khuyết tật có thể đóng góp nhiều hơn cho gia đình, xã hội.
Những sự kiện như COSP giúp thế giới hiểu hơn về cuộc sống của người khuyết tật. Năm nay, hội nghị đi sâu vào cơ hội và thách thức từ chuyển đổi số, trong bối cảnh tiềm năng công nghệ mới đối với nhóm người dễ bị tổn thương đã được biết đến rộng rãi. Nhấn mạnh chuyển đổi số có thể giúp hiện thực hóa những thay đổi mà Công ước về Quyền của người khuyết tật mang lại, COSP17 tập trung vào các nỗ lực thúc đẩy đổi mới công nghệ, hướng tới tăng cường hòa nhập xã hội và trao quyền cho những người khuyết tật từ lớp học đến nơi làm việc.
Khoảng 1,3 tỷ người trên thế giới đang sống với ít nhất một dạng khuyết tật nhất định. Họ nằm trong số những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, phải chịu đựng nghèo đói, thiệt thòi và phân biệt đối xử. Tuy nhiên, bằng lòng dũng cảm và quyết tâm, không ít câu chuyện tích cực về hành động và thái độ sống lạc quan, yêu đời tiếp tục truyền cảm hứng, nhắc nhở thế giới về những gì có thể đạt được khi người khuyết tật được hỗ trợ để phát huy tối đa tiềm năng. Khi chúng ta đoàn kết và tôn trọng sự đa dạng của những khiếm khuyết, những điều tuyệt vời sẽ tiếp tục diễn ra.