Có thêm những “bước dài” trong phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phan Tân| 16/02/2016 09:48

Trong nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được coi như là một trong những “chìa khóa” của thành công. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là giải pháp tiên quyết giúp nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đặt vấn đề tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Bơ là một trong những loại cây trồng được nông dân quan tâm, đưa vào thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Tâm

Tham luận tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Cao Đức Phát đánh giá, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển đất nước. Ngày nay, nông thôn vẫn là nơi sinh sống của 67% dân số, nông nghiệp tạo việc làm cho 45% lao động và đóng góp 17% GDP. Chính vì vậy trong giai đoạn mới, Đảng ta vẫn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, để thực hiện chủ trương tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM) đã xác định trong Văn kiện của Đại hội, cần tập trung phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo 3 trụ cột.

Một là, thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao và hiệu quả. Hai là, xây dựng NTM, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn. Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững…

Còn theo đại biểu Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thì trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng, cần thiết, nên cần có một số định hướng cơ bản.

Cụ thể, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng đa ngành. Tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn...

Trước mắt, tập trung xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp-nông nghiệp, trung tâm sau thu hoạch với sự tham gia của các doanh nghiệp một số nước tiên tiến để hình thành những cụm sản xuất đạt chất lượng, tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Chủ động lựa chọn, áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức “đi tắt, đón đầu”, nhất là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch... Phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết sản xuất giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các doanh nghiệp...

Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, HACCP... nhằm nâng cao chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng, là cơ sở để phát triển thị trường xuất khẩu.

Để thực hiện có hiệu quả những định hướng, giải pháp nêu trên, Trung ương cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hợp tác, gắn bó hơn nữa với nông dân. Nhà nước bố trí vốn trung hạn để triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao của các tỉnh, thành; có cơ chế và chiến lược hỗ trợ các địa phương, ngành nông nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế…

Tâm đắc với những nội dung về phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng NTM mà văn kiện Đại hội của Đảng lần thứ XII đề cập, đại biểu Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, đây là quan điểm đúng đắn và tỉnh đã có nghị quyết riêng về vấn đề này, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Việc Đảng xác định phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ góp phần “tiếp sức” cho Đắk Nông trong việc tiếp tục thực hiện nghị quyết. Thời gian tới, cùng với việc dành các nguồn lực xứng đáng để hiện đại hóa nền nông nghiệp, địa phương phải làm thế nào để mỗi cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, nhất là người dân hiểu việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề tất yếu, để từ đó vận dụng vào thực tiễn cho kết quả cụ thể.

Tỉnh cũng cần có thêm cơ chế, chính sách, xây dựng nhân rộng các mô hình, đào tạo con người… Đại biểu Trần Quốc Huy nhấn mạnh: “Tôi tin là sau đại hội, với tính năng động của  nông dân, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi để bước những “bước dài” trong phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/co-them-nhung-buoc-dai-trong-phat-trien-nen-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-43813.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/co-them-nhung-buoc-dai-trong-phat-trien-nen-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-43813.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Có thêm những “bước dài” trong phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO