Có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nợ tiền BHXH?

12/04/2023 08:47

(Chinhphu.vn) – Ông Nguyễn Hồng Trường (TP. Đà Nẵng) hỏi, cơ quan BHXH có quyền nộp đơn ra tòa án để yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ BHXH đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán không?

Theo ông Trường được biết, hiện nay các doanh nghiệp nợ tiền BHXH diễn ra khá phổ biến. Qua tìm hiểu Luật Phá sản số 51/2014/QH13 ông nhận thấy cơ quan BHXH có quyền nộp đơn đến Tòa án nhân dân yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 17, Khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH năm 2014 đã quy định các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, bị nghiêm cấm bao gồm: Trốn đóng, chậm đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH; Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. 

Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7, Khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu công ty có hành vi trốn đóng BHXH thì mức phạt tiền đối với công ty là từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. 

Ngoài ra, tại Điều 216 Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2017 còn quy định mức xử lý hình sự đối với các tội danh trốn đóng BHXH, BHYT thì bị xử phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng, đồng thời phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy mức độ vi phạm, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tại Điều 22, Điều 23 của Luật BHXH năm 2014, quy định quyền, trách nhiệm của cơ quan BHXH và Điều 1, Điều 2 của Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 4/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, theo đó cơ quan BHXH không có thẩm quyền nộp đơn ra Tòa án nhân dân để yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày trốn đóng, hoặc chậm đóng BHXH đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm đóng BHXH.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/co-the-yeu-cau-mo-thu-tuc-pha-san-doi-voi-doanh-nghiep-no-tien-bhxh-102230411170247017.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/co-the-yeu-cau-mo-thu-tuc-pha-san-doi-voi-doanh-nghiep-no-tien-bhxh-102230411170247017.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nợ tiền BHXH?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO