Những ngày này, gần chục nhân công của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Dịch vụ Long Việt, xã Quảng Trực (Tuy Đức), làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya. Họ phải tăng ca để kịp giao hàng cho khách.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Long Việt cho biết, từ tháng 10 dương lịch, cơ sở chế biến của HTX đã tăng cường hoạt động để kịp đáp ứng lượng hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Cao điểm nhất là từ giờ tới tết, HTX phải liên tục tăng ca. Để kịp các đơn hàng tết, HTX đã thuê gần chục nhân công làm việc từ sáng đến đêm khuya. HTX tăng cường sản xuất vì càng gần đến tết, lượng đơn hàng càng tăng.
"Các đầu mối thu mua mắc ca đang cần hàng để phục vụ thị trường Tết. Đến nay HTX đã xuất xưởng được khoảng 5 tấn mắc ca sấy khô, đóng gói", bà Dung cho biết.
HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Long Việt tăng tốc sản xuất mắc ca phục vụ thị trường Tết Nguyên đán |
HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Long Việt hiện có 15 thành viên, với vùng nguyên liệu 100 ha, sản lượng mắc ca mỗi năm khoảng 100 tấn. Năm nay, ngoài mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm ngày thường, HTX còn thiết kế túi xách dạng gói quà để phục vụ cho thị trường Tết. Sản phẩm được đóng gói, tạo hộp bắt mắt, phù hợp với ngày Tết.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá mắc ca thấp hơn mọi năm, dao động từ 200.000 – 220.000 đồng/kg. HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội, Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh… nên yên tâm sản xuất, không lo đầu ra.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, HTX dự kiến sản xuất và giao khoảng 5 tấn mắc ca đóng gói cho các đơn vị thu mua đã đặt hàng. Sản phẩm mắc ca của HTX đã đăng ký nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, đạt OCOP cấp huyện hạng 4 sao.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Mắc ca Đắk Nông, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cũng đã, đang chuẩn bị mắc ca phục vụ Tết Nguyên đán từ nhiều tháng nay. Đơn vị đã thu mua khoảng 20 tấn nguyên liệu và đang được chế biến theo từng đơn đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ.
Hiện nay, công ty đang tăng cường sản xuất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, với 2 dòng sản phẩm là đóng gói hạt và tách nhân. Sản phẩm của công ty đã đăng ký nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc. Thị trường tiêu thụ của công ty là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Ông Hà Tấn Sanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mắc ca Đắk Nông cho biết, công ty duy trì sản xuất mỗi tháng xuất bán từ 3 - 5 tấn mắc ca thương phẩm mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.
Riêng dịp Tết Nguyên đán, công ty sản xuất khoảng 20 tấn hàng, chủ yếu theo đơn đặt hàng của các đơn vị kết nối tiêu thụ. Để kịp cung cấp sản phẩm cho khách hàng, công ty phải thuê thêm nhân công, tăng cường thực hiện một số công đoạn chế biến.
Tuy Đức là vùng sản xuất mắc ca lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu sử dụng mắc ca tăng cao. Chính vì thế, các cơ sở, doanh nghiệp đang tăng tốc để có sản phẩm phục vụ thị trường dịp cuối năm.
Huyện Tuy Đức có 1.380 ha mắc ca, trong đó khoảng 618 ha đã cho thu hoạch. Tổng sản lượng mắc ca thu hoạch năm 2021 đạt khoảng 200 tấn. Từ nguồn nguyên liệu của địa phương, huyện có 8 cơ sở tham gia hoạt động sơ chế, chế biến hạt mắc ca. Sản phẩm mắc ca sản xuất trên địa bàn chủ yếu là sấy khô đóng hộp, sữa để xuất bán ra thị trường. |