Cơ sở dữ liệu đất đai - vì sao chậm?

Lê Phước| 14/02/2023 11:15

Dù đã triển khai nhiều năm song việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai tại Đắk Nông còn rất chậm so với kế hoạch đề ra.

ADQuảng cáo

Huyện Đắk R’lấp bắt đầu triển khai xây dựng CSDL đất đai từ năm 2009. Theo Thiết kế kỹ thuật - Dự toán, tổng kinh phí thực hiện xây dựng CSDL về đất đai tại Đắk R’lấp là hơn 69 tỷ đồng. Chủ đầu tư thực hiện là Sở TN-MT.

Mặc dù là huyện điểm thực hiện CSDL đất đai nhưng hiện Đắk R’lấp vẫn chưa hoàn thành xong. Đến nay, Đắk R’lấp đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, xây dựng và vận hành CSDL địa chính.

Việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ và luân chuyển hồ sơ địa chính đã được thực hiện trên phần mềm SouthLIS từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, đây là phần mềm miễn phí do đơn vị tư vấn cung cấp nên còn nhiều hạn chế. Dù Sở TN-MT đã đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục hỗ trợ song chưa được xử lý.

Sau hơn 13 năm triển khai, việc xây dựng CSDL tại Đắk R’lấp vẫn chưa hoàn thành (Trong ảnh: Một góc trung tâm huyện Đắk R’lấp)

Năm 2022, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép vận hành thử nghiệm phần mềm VBDLIS của Tập đoàn Viettel. Hiện việc nhập CSDL tại Đắk R’lấp trên phần mềm này đã hoàn thành. Dự kiến, việc vận hành CSDL sẽ được thực hiện trong quý I/2023.

Tại Đắk Mil, việc nhập CSDL trên phần mềm VBDLIS cũng đang được triển khai. Đây là địa phương có gói xây dựng CSDL đất đai với tổng kinh phí hơn 144,5 tỷ đồng (lớn nhất tỉnh). Chủ đầu tư của gói dự án này là Sở TN-MT. Thời gian thực hiện từ năm 2018 tới nay.

Ngoài 2 địa phương trên, Sở TN-MT còn làm chủ đầu tư các gói thầu CSDL đất đai tại 3 huyện khác là: Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong (đều triển khai năm 2013). Việc xây dựng CSDL tại huyện Cư Jút (triển khai năm 2018), huyện Krông Nô và TP. Gia Nghĩa (triển khai năm 2020) do địa phương làm chủ đầu tư.

ADQuảng cáo

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Bùi Thanh Hà, tốc độ thực hiện xây dựng và vận hành CSDL đất đai trên toàn tỉnh còn chậm. Tất cả các huyện và TP. Gia Nghĩa đều bị chậm so với kế hoạch đề ra. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.

Việc xây dựng CSDL tại Đắk Nông chậm, ảnh hưởng không nhỏ tới việc giải quyết thủ tục đất đai (Trong ảnh: Một góc TP. Gia Nghĩa)

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng CSDL đất đai bị chậm như: ảnh hưởng bởi Covid-19, phần mềm vận hành còn hạn chế… Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất làm chậm trễ việc xây dựng CSDL đất đai chính là kinh phí.

Tổng kinh phí xây dựng và vận hành CSDL về đất đai tại Đắk Nông là hơn 760 tỷ đồng. Phần lớn nguồn kinh phí xây dựng CSDL đất đai của Đắk Nông là từ nguồn hỗ trợ của Trung ương.

Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ từ Trung ương những năm qua còn hạn chế. Hàng năm, Đắk Nông đã bố trí 10% tổng số nguồn thu về đất cho Sở TN-MT để bố trí cho dự án. Số tiền bình quân khoảng 5 tỷ đồng/năm là quá thấp so với nhu cầu thực tế.

Hiện tại, toàn tỉnh Đắk Nông đã giải ngân được trên 267,5 tỷ đồng kinh phí xây dựng CSDL. Con số này chỉ đạt khoảng trên 35% so với tổng kinh phí theo thiết kế. Hiện các chủ đầu tư vẫn còn nợ các đơn vị tư vấn và chưa thể đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng và vận hành CSDL địa chính.

“Trong lúc nguồn kinh phí còn thiếu, Sở TN-MT đang tiếp tục động viên, đề nghị các đơn vị tư vấn tiếp tục triển khai xây dựng CSDL. Sở TN-MT đề nghị UBND tỉnh kịp thời bố trí kinh phí 10% thu tiền sử dụng đất để bố trí cho công tác đầu tư thiết bị, máy móc đáp ứng yêu cầu. Song song đó, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để Đắk Nông tiếp tục triển khai việc xây dựng và vận hành CSDL đất đai”, ông Hà thông tin.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở dữ liệu đất đai - vì sao chậm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO